21/07/2025 01:57
Từ nhiều năm nay, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra thường xuyên ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. Tảo hôn không chỉ chấm dứt cơ hội học tập của trẻ em mà còn là nguyên nhân làm suy giảm chất lượng giống nòi và kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội.
.JPG)
Đào Thị Đơ (bìa phải) bên cạnh những người con của mình.
Trường hợp chị Đào Thị Đơ sinh ra trong gia đình thuần nông, nghèo khó ở xã Cư Pui, lấy chồng khi mới 16 tuổi. Năm nay 31 tuổi, Đơ đang mang thai người con thứ 5; trong đó người con đầu 15 tuổi nhưng mang chứng chậm phát triển tâm thần vận động (nguyên nhân là do vợ chồng Đơ không biết cách chăm sóc khi con bị sốt, dẫn đến biến chứng). Sinh đông và sinh dày nên Đơ trông tiều tụy và dễ đau ốm khi trái gió trở trời; gánh nặng kinh tế một mình người chồng gồng mình lo liệu. Nơi ở của gia đình này là căn nhà đơn sơ được dựng lên bởi những miếng gỗ tạp và mái tôn cũ. “Những năm trước có khi không đủ cơm ăn, nay đủ ăn nhưng không có tiền để mua sữa, mua thịt cho con” – Đơ tâm sự.
Ở gần nhà Đào Thị Đơ có em Vừ Thị Sài, sinh năm 2007 cũng lấy chồng khi 16 tuổi, chồng là Lý Văn Bằng 18 tuổi. Hiện tại họ đã có với nhau 1 người con. Được biết, đôi vợ chồng này cũng mới học hết lớp 6, thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống vợ chồng và làm kinh tế. Bế con ngồi trước hiên nhà với ánh mắt đăm chiêu đượm buồn, Sài chia sẻ: “Trước đây em muốn được đi học để sau này trở thành cô giáo, hoặc đi học nghề cho đỡ vất vả”. Nhưng đó mãi chỉ là ước mơ của cô gái thôn quê đã vội lấy chồng khi vừa tuổi trăng tròn.
Giai đoạn 2021-2024, toàn xã Hòa Phong (cũ) có 13 trường hợp tảo hôn, 144 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí có những cặp vợ chồng sinh từ 6-7 người con; năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn xã chiếm 43,5%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng chiếm 17,1%, chất lượng dân số thấp. Không riêng gì ở Hòa Phong mà tình trạng tảo hôn xảy ra ở nhiều địa phương khác của huyện Krông Bông. Giai đoạn 2021-2024 toàn huyện có 359 trường hợp tảo hôn.
Tảo hôn và sinh đông con là một trong những nguyên nhân
làm cho cuộc sống của nhiều gia đình ở xã Cư Pui gặp khó khăn.
Nguyên nhân chính là do đời sống của người dân còn ở mức thấp, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tảo hôn còn tồn tại. Trong khi đó, chế tài xử phạt về tảo hôn và tổ chức tảo hôn chưa được thực hiện nghiêm minh tại cơ sở. Tảo hôn làm suy làm chất lượng giống nòi, chấm dứt cơ hội học tập của nhiều trẻ em, nhất là trẻ em gái; thậm chí có những đôi vợ chồng trẻ đã tan vỡ hạnh phúc, trẻ em không được hưởng sự chăm sóc của bố và mẹ.
Nhằm can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, hàng năm, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Trung tâm Y tế Krông Bông đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, tuyên truyền trực quan như treo băng rôn, khẩu hiệu nhân ngày Dân số thế giới 11/7, ngày quốc tế trẻ em gái 11/10, ngày Dân số Việt Nam 26/12…; tăng cường vận động toàn xã hội quan tâm vấn đề y tế, giáo dục, phòng chống bạo lực và ngăn chặn tảo hôn, nâng cao vị trí vai trò của phụ nữ và trẻ em gái…Trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, ngành chức năng đã tổ chức được 35 buổi nói chuyện Chuyên đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên trong các trường học, nhà văn hóa cộng đồng với 430 người tham dự.
Tại cơ sở, đội ngũ viên chức và cộng tác viên dân số thường xuyên rà soát địa bàn, nắm rõ phong tục tập quán vùng miền, dân tộc, chú trọng những gia đình có trẻ vị thành niên để tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, phân tích hệ lụy của tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên; tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản lợi ích của khám sức khỏe tước khi kết hôn để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. “Chị Trần Thị Quảng Nhàn – viên chức dân số Trạm Y tế Hòa Phong cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, phát huy vai trò Cộng tác viên dân số là người dân tộc tại chỗ để nâng cao hiệu quả. Tuy vậy, nhiều gia đình cho con nghỉ học sớm và lấy vợ lấy chồng sớm để có lao động làm việc; thậm chí vẫn quan niệm con gái đến 18 tuổi, con trai đến 20 tuổi chưa lập gia đình thì bị cho là già.”.
Viên chức dân số Trạm Y tế Hòa Phong
tư vấn cho người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Huyện Krông Bông (cũ) có 13 xã, thị trấn, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính hiện còn 5 xã (Cư Pui, Dang Kang, Hòa Sơn, Krông Bông và Yang Mao), dân số khoảng 108.000 người, với 25 dân tộc anh em chung sống, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 44,2% dân số; địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều, ý thức chấp hành Luật Hôn nhân và gia đình còn nhiều hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm 2025 đã có 23 trường hợp tảo hôn.
Thiết nghĩ, việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn không phải chuyện “ngày một, ngày hai” vì liên quan đến phong tục tập quán đã in sâu trong tâm trí của người dân. Bởi vậy, rất cần triển khai các giải pháp có chiều sâu theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Ông Nguyễn Đức Vũ – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Krông Bông cho biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, nâng cao vị trí và vai trò của trẻ em gái, nhưng chừng đó là chưa đủ. Nhưng để đẩy lùi tảo hôn rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành để thực thi nghiêm minh chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm răn đe, ngăn chặn tảo hôn và tổ chức tảo hôn”./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác