09/12/2016 12:00
Tuổi già là một quy luật tất yếu của sự sống. Sau nhiều năm sống cống hiến cho gia đình và xã hội, con người bắt đầu già đi, dễ mệt mỏi bởi sức khỏe đã giảm sút theo năm tháng. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là hết sức cần thiết.

Duy trì lối sống khỏe mạnh, giúp nâng cao tuổi thọ cho người cao tuổi. (Ảnh: Bảo Châu)
Quá trình lão hóa của mỗi người bắt đầu từ tuổi trung niên. Qúa trình này diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào môi trường sống, làm việc và sự rèn luyện cũng như chế độ ăn uống của mỗi người. Ai cũng biết rằng, để làm chậm quá trình lão hóa, kéo dài tuổi thọ cần có một nếp sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, sự tập luyện thể dục đều đặn và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Người cao tuổi sức đề kháng kém, vì vậy, khả năng thích nghi với các thay đổi trong môi trường sống cũng kém hơn. Khi thời tiết thay đổi đột ngột rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi. Cần tạo cho người cao tuổi một môi trường sống ổn định, thân thiện, gần gũi với con cháu.
Vì người cao tuổi thường sức nhai kém, tiêu hóa kém nên cần chú trọng chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi: đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, bữa ăn đa dạng với 4 nhóm thực phẩm cơ bản để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, bao gồm: Chất bột đường (gạo, ngô, khoai, mỳ, bắp, các loại ngũ cốc), chất đạm ( thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành..) , chất béo (có nhiều trong dầu, mỡ, lạc, vừng,…), chất xơ vitamin và khoáng chất (có nhiều trong các loại rau, củ và trái cây tươi,…). Người cao tuổi nên ăn giảm các loại tinh bột như gạo, ngô, khoai, ngũ cốc để tránh thừa calo, tích mỡ và tăng cân. Nên ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau, đậu, vừng, lạc; các loại hoa quả như chuối, cam; Hạn chế ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ… . Ngoài ra cần phải uống đủ nước, khoảng 1 – 1,5 lít nước/ngày là đủ nhu cầu của cơ thể của người cao tuổi.
Bên cạnh việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần chú trọng đến việc rèn luyện thể lực cho người cao tuổi. Có nhiều loại hình tập luyện phù hợp với người cao tuổi như: đi bộ nhanh, ngồi thiền, yoga… Tuy nhiên, nên lựa chọn bộ môn tập luyện phù hợp với sức khỏe từng người để sau tập không thấy bị quá sức, cảm thấy khỏe khoắn, ăn ngon hơn và ngủ tốt hơn.
Vì những thay đổi của tuổi tác, người cao tuổi thường có những suy nghĩ lo âu hoặc sợ hãi vô cớ, giấc ngủ cũng không được sâu và thường hay mất ngủ, dẫn đến cơ thể càng dễ bị mỏi mệt. Do đó, người cao tuổi cần phải ngủ đủ giấc (trung bình 7 tiếng/ngày là đủ), tránh thức qúa khuya hoặc ngủ quá nhiều cũng không tốt cho tim mạch. Ngoài ra, mỗi buổi trưa người cao tuổi cũng nên chợp mắt khoảng 15-30 phút, giúp cho trí óc tỉnh táo, minh mẫn hơn vào buổi chiều.
Ngoài các yếu tố về dinh dưỡng, rèn luyện thể lực, chăm sóc giấc ngủ, cần phải chú trọng đến yếu tố tinh thần của người cao tuổi. Đây là yếu tố khá quan trọng trong việc duy trì lối sống khỏe mạnh, giúp nâng cao tuổi thọ cho người cao tuổi. Người cao tuổi nên có một cuộc sống an nhàn, với những suy nghĩ lành mạnh, hạn chế lo âu, căng thẳng, phiền muộn. Cần có những suy nghĩ tích cực, yêu đời, tham gia các hoạt động xã hội, cập nhật kiến thức xã hội bằng cách xem tivi, đọc sách báo, giao lưu với bạn bè, hàng xóm, vui vầy với con cháu…. Có như thế thì người cao tuổi mới có thể sống vui, sống khỏe, sống có ích và duy trì tuổi thọ.
Bài: Minh Thu
Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác