17/03/2017 12:00
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng, gia đình nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao và làm quan to trong triều vua Lê - chúa Trịnh. Hiệu Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là ông già lười, nhưng thực tế chúng ta thấy Ông lại rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh, cứu người, “lười” ở đây là lười với công danh, phú quí… . Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công”. Là một người thầy thuốc, trước hết ông đề cao y đức. “Tôi thường thấm thía rằng: Thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng người ta: Lẽ sống chết, điều phúc họa đều ở trong tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không thoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước học nghề y” Ông từng nói.


Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo. Ảnh: Bảo Châu
Ông thật sự tận tụy với người bệnh, khi có người bệnh ông luôn đến tận nơi, xem mạch, chẩn bệnh rồi mới cho thuốc; không quản mưa gió, đêm hôm hay đường sá xa xôi cách trở . Ông luôn nghiêm khắc với bản thân mình, giữ tâm hồn luôn trong sáng, Ông răn mình và dạy học trò: “Khi thăm người bệnh phụ nữ hoặc ni cô, gái góa phải có người khác bên cạnh... để ngăn ngừa sự ngờ vực. Dù đến hạng người buôn son, bán phấn cũng phải giữ cho lòng người ngay thẳng, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt, chớt nhả mà mang tiếng bất chính và chuốc lấy tà dâm”.
Hải Thượng Lãn Ông là hiện thân của một nhân cách lớn, Ông luôn là người biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi không tự cao tự đại, luôn tôn trọng giúp đỡ đồng nghiệp. Ông là một tấm gương mẫu mực cho việc đối nhân xử thế: “Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn”.
Ngày còn đi học, Lê Hữu Trác đã nổi tiếng là học trò hay chữ và đã thi đậu cao. Năm 19 tuổi, cha mất nên ông phải thôi học về nhà chịu tang, sau đó ông theo quân ngũ một thời gian. Nhưng chỉ vài năm sau Lê Hữu Trác ra khỏi quân ngũ, về quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Về Hương Sơn không lâu thì Lê Hữu Trác bị ốm nặng chữa trị khắp nơi không khỏi. Sau nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không kết quả, Lê Hữu Trác đến nhà một thầy thuốc ở miền Rú Thành, thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tên là Trần Độc. Qua hơn một năm ở nhà thầy thuốc, Lê Hữu Trác đã khỏi bệnh. Trong thời gian chữa bệnh tại đây, những lúc rỗi rãi Lê Hữu Trác thường hay mượn bộ sách thuốc Phùng thi cẩm nang của Thầy thuốc để đọc. Chính trận ốm này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời của Lê Hữu Trác. Thầy thuốc Trần Độc nhận thấy sự thông minh, sáng dạ và chuyên cần của Lê Hữu Trác nên có ý muốn truyền đạt nghề thuốc cho ông. Sau đó ông trở lại Hương Sơn làm một ngôi nhà nhỏ ở ven rừng, quyết chí theo nghề thuốc. Ông tìm đọc các sách, chuyên cần đêm ngày. Lê Hữu Trác lấy hiệu Hải Thượng Lãn Ông từ đấy.
Do kiến thức rộng, chẩn bệnh, kê đơn thận trọng nên Hải Thượng Lãn ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp khó mà người khác chữa mãi không khỏi. Tên tuổi Hải Thượng vì thế lan rất nhanh khắp vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh, ra tới tận Kinh thành Thăng Long. Cũng trong thời kỳ này, cùng với việc chữa bệnh, cứu người, Hải Thượng còn mở trường đào tạo thầy thuốc. Người quanh vùng và các nơi xa nghe tiếng đều tìm đến học rất đông. Ngoài ra. ông còn tổ chức ra Hội y, nhằm đoàn kết những người đã học xong ra làm nghề và để có cơ sở cho họ liên lạc, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ngoài việc đề cao y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật.
Trong quá trình làm thuốc, ông đã để rất nhiều thời gian đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, ông đã để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ quý giá là bộ “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh” bao gồm 28 tập, 66 quyển, một tài sản vô giá bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh v.v... Điểm đặc sắc đầu tiên nổi bất của bộ sách quí này là Hải Thượng Lãn ông đã tiếp thu có phê phán, chọn lọc những tinh hoa y học nước ngoài rồi vận dụng những kiến thức cơ bản ấy vào điều kiện cụ thể về khí hậu, về con người và cả về cách suy nghĩ của con người Việt Nam, nhất là những lí luận cơ bản của nền y học Trung Quốc, cũng như những kinh nghiệm chữa bệnh của những thầy thuốc đi trước, của người dân lao động, kể cả một số ít giáo sĩ phương Tây khi ấy mới sang Việt Nam ta. . Ông đã đúc kết hàng ngàn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.
Ông tâm đắc với truyền dạy nghề thầy thuốc: “Tôi thấy y lý bao la, sách vở chồng chất, chia môn xếp loại tản mạn vô cùng. Những sách do những bậc hiền triết tiền bối luận về bệnh, về ý nghĩa của đơn thuốc, về tính vị bài thuốc có nhiều chỗ chưa nói đến nơi, đến chốn, tất phải thâu tóm hàng trăm cuốn, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc.” Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh y lớn, là niềm tự hào của dân tộc ta. Tuy sống cách chúng ta nhiều thế kỷ nhưng tư tưởng và phương pháp tiến bộ cũng như thái độ khoa học chân chính của ông vẫn còn là một bài học có tính thời sự nóng hổi và vô cùng quí báu để chúng ta học tập và noi theo. Cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh như người thân yêu của mình. Ông thật xứng đáng là người đã tạo nên sự nghiệp cao cả, vĩ đại của nền y học Việt Nam, là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo.
Trường Giang ( sưu tầm)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác