13/03/2017 12:00
Hiện nay, ung thư vú là một trong những căn bệnh khá phổ biến và là 1 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ, có tỷ lệ tử vong cao. Theo các chuyên gia y tế, ung thư vú nếu được phát hiện sớm, việc điều trị không chỉ đơn giản, ít tốn kém mà khả năng chữa khỏi là 90%, còn ở giai đoạn muộn tức giai đoạn 3, 4, việc điều trị bệnh chủ yếu kéo dài sự sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn cho bệnh nhân. Chính vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm là điều vô cùng cần thiết.

Một bệnh nhân đang được chăm sóc sau phẫu thuật ung thư vú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk
Ung thư vú là một bệnh lý ác tính, khi các tế bào trong vú bỗng mọc và lớn nhanh một cách bất thường, chiếm hết cả vú và lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Bệnh này thường xảy ra ở phụ nữ và rất hiếm gặp ở nam giới. Theo thống kê, hiện nay, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 triệu phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và 458 ngàn người tử vong vì căn bệnh này. Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm nước có bệnh nhân mắc ung thư vú nhiều nhất thế giới, cứ 100 ngàn người dân thì có 30 người bị ung thư vú và được dự báo có xu hướng tiếp tục tăng. Theo các chuyên gia y tế, ung thư vú là bệnh có khả năng chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi là 90%; ở giai đoạn 2, tỷ lệ này sẽ là 60%; giai đoạn 3, khả năng chữa khỏi hẳn sẽ thấp và đến giai đoạn 4, việc điều trị chủ yếu để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn cho bệnh nhân.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Túy Hồng, ở phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là một ví dụ. Do bị đau nhẹ một bên ngực nên bà Hồng đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và được các bác sỹ phát hiện bị ung thư vú ở giai đoạn 1. Chị Hồng chia sẻ: “Nhờ được phát hiện sớm, tôi được chỉ định phẫu thuật, đến nay sau một tuần sức khỏe của tôi đã ổn định, ăn uống bình thường. Các bác sỹ cho biết chỉ cần vài ngày nữa tôi có thể xuất viện”.
Bác sỹ Huỳnh Thị Như Huệ- Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết: “Thông thường, bệnh ung thư vú nếu được phát hiện sớm thì có chỉ định phẫu thuật, sau phẫu thuật, phương pháp điều trị là kết hợp đa môn thức, tức vừa xạ trị, hóa trị toàn thân hoặc là kháng nội tiết đối với bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với kỹ thuật thể hooc môn. Theo đó, nếu bệnh nhân tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị của bác sỹ thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh là 90%”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, những trường hợp bệnh nhân mắc ung thư vú được phát hiện sớm như trường hợp của bà Hồng là rất ít. Năm 2016, Khoa Ung bướu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk khám và điều trị cho 371 trường hợp bị ung thư vú, trong đó có khoảng 75% bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn. Cũng theo bác sỹ Huệ: do ung thư vú có các triệu chứng nghèo nàn, sờ mới thấy có u nhỏ ở vú, không gây đau, vẫn sinh hoạt, ăn uống và làm việc bình thường nên người bệnh dễ bỏ qua các triệu chứng của bệnh. Đây chính là lý do khi phát hiện bệnh, những tế bào ung thư không khu trú ở một chỗ mà đã di căn, lan tràn đến những cơ quan khác trong cơ thể”. Đó cũng là trường hợp của bà H’Blôk Knul- xã Ea Knôp, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk. Đầu năm 2016, bà H’Blôk sờ thấy một cục u cồm cộm bên vú trái. Do không có cảm giác đau nên bà chủ quan không đi khám. Sau đó một thời gian, tình cờ xem ti vi có nói về căn bệnh ung thư vú với các biểu hiện tương tự như của bà nên bà vội vã đến bệnh viện khám và được chẩn đoán bị ung thư vú đã di căn tới phổi và xương. Hiện tại, việc điều trị cho bà H’Blôk chủ yếu là giảm đau.
Có thể nói, ung thư vú luôn là mối đe dọa nguy hiểm với phụ nữ, song bệnh hoàn toàn có thể phòng và chữa khỏi. Do đó, khi có một trong số nguy cơ tiềm ẩn như: tiền sử gia đình có chị, em gái, mẹ bị ung thư vú; nhóm phụ nữ không có con và nhóm phụ nữ có con muộn sau 30 tuổi; những người thừa cân, béo phì, thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia…cần phải thường xuyên đi khám, sàng lọc bệnh định kỳ.
Bên cạnh đó, để có thể phát hiện sớm căn bệnh ung thư vú, chị em cũng có thể thực hiện khám vú bằng cách khá đơn giản: đều đặn mỗi tháng 1 lần, vào thời điểm vừa chấm dứt kỳ kinh nguyệt, chị em nên kiểm tra hình dáng, màu sắc phát hiện những u, cục bất thường của vùng ngực. Bằng các phương pháp sau:
Bước 1: Bạn hãy cởi áo ra, ngồi thẳng lưng hoặc đứng ở tư thế xuôi hai tay và quan sát tuyến vú hai bên tìm xem có những dấu hiệu bất thường, như: thay đổi kích thước, hình dạng và sự đối xứng giữa hai vú, da vú dúm dó, lõm xuống.
Bước 2: Hai cánh tay dang rộng, bàn tay để sau đầu, tìm các dấu hiệu bất thường của ngực như bước 1.
Bước 3: Nằm ngửa trên giường, đặt khăn gấp hay gối mỏng sau vai trái, đưa tay trái ra sau gáy, dùng tay phải khám ngực trái, dùng ba ngón tay xòe thẳng vừa ấn nhẹ lên bầu vú, vừa ve tròn tìm kiếm khối u hoặc mãng dày bất thường, bắt đầu từ trong quầng vú di chuyển dần ra ngoài theo đường xoắn ốc.
Bước 4: Di chuyển dần lên vùng nách, tới hõm nách xem có u hạch hay không.
Bước 5: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ nắn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không. Khám tương tự với ngực bên phải.
Ngoài các phương pháp tự khám vú như vừa nêu, chị em nên tầm soát ung thư hoặc làm các xét nghiệm để biết chính xác. Điều quan trọng, nếu trong quá trình tự khám vú, phát hiện những bất thường, như: phát hiện khối u hoặc phần thịt dày lên gần ngực hoặc nách; núm vú bị co rút, thụt vào bên trong; da ở vùng ngực, quầng vú hoặc núm vú bị đỏ, thay đổi màu sắc hoặc nhăn nheo; hình dạng hoặc kích thước vú thay đổi; núm vú chảy dịch thì đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để làm các xét nghiệm cũng như tầm soát sớm nhằm phát hiện ung thư vú và có phương pháp điều trị kịp thời./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh-Quang Nhật (T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác