09/03/2017 12:00
Số trường hợp mắc bệnh Ho gà trong 3 tháng đầu năm 2017 gia tăng ở các tỉnh phía Bắc so với cùng kỳ năm 2016 và đã có 5 trẻ tử vong do căn bệnh này. Tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận trường hợp bệnh.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn Ho gà gây nên. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Nguồn bệnh là những bệnh nhân bị bệnh ho gà. Bệnh lây lan mạnh nhất trong 1-2 tuần đầu của bệnh. Biểu hiện trên lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội, thở rít vào được gọi là ho gà (cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy). Bệnh có nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Khi có biến chứng thì có nguy cơ tử vong cao.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván (DTP) hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b (Quinvaxem) đủ liều, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem:
- Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi;
- Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng;
- Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng;
- Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Những trẻ bị ho gà cần phải được cách ly, theo dõi trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình. Khi tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang. Thực hiện vệ sinh phòng học, nơi ở, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Bài: Hữu Huyên (Sở Y tế)
Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác