03/03/2017 12:00
Dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3 năm 2013, có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Hầu hết gia cầm nhiễm vi rút đều không có biểu hiện bệnh nhưng có khả năng lây bệnh cho người. Người mắc bệnh thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của gia cầm trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, ăn thịt và các sản phẩm gia cầm không được nấu chín kỹ hoặc tiếp xúc với môi trường bị nhiễm vi rút cúm A(H7N9). Hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc lây truyền từ người sang người. Bệnh diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao khoảng 40%.

Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc.
Từ năm 2013 đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận 5 đợt dịch cúm gia cầm A(H7N9), chủ yếu tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm mới. Đáng chú ý gần đây nhất, đợt dịch lần thứ 5 bắt đầu từ tháng 10 năm 2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan với hơn 425 trường hợp mắc xảy ra tại 14 tỉnh thành phố, trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây có chung đường biên giới với Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới nhận định về tình hình dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc tiếp tục gia tăng, tuy chưa khuyến cáo hạn chế việc đi lại, song có khuyến cáo hành khách du lịch nên tránh đi đến các khu vực đã phát hiện có ổ dịch, đặc biệt là các trang trại nuôi gia cầm, khu vực giết mổ và các khu vực được thông báo có nhiễm vi rút cúm A(H7N9) ở môi trường.
Theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế, trong tháng 01/2017 đã xảy ra một dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Căm Pu Chia) là tỉnh có chung đường biên giới khu vực Tây Nam của nước ta. Ngoài dịch cúm A(H7N9), A(H5N1) đang có những diễn biến phức tạp trên các đàn gia cầm hoặc gây bệnh trên người nêu trên, hiện nay thế giới cũng đang ghi nhận cúm A(H5N6), cúm A(H5N8) gây dịch trên các đàn gia cầm tại một số nước châu Âu, châu Á. Tại Việt Nam cũng ghi nhận rải rác ổ dịch cúm A(H5N6) trên đàn gia cầm tại một số tỉnh, thành phố.
Mặc dù hiện nay nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) ở người, tuy nhiên nguy cơ có thể các dịch cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta, lây truyền sang người và gây bùng phát dịch rất cao ở nước ta nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng bệnh chủ động.
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) sang người, xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Tin & ảnh: Hồng Vân
Trung tâm Truyền thông GDSK
Nguồn Cục Y tế Dự phòng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác