11/04/2017 12:00
Trong sinh hoạt hàng ngày, mọi người thường tiếp xúc với xà phòng khi giặt giũ, tắm gội, do đó việc dị ứng với hóa chất ở xà phòng rất dễ xảy ra khi tiếp xúc với xà phòng nhiều, bàn tay dễ bị dị ứng nổi những hạt nước nhỏ ngứa và nổi đỏ hoặc da tay sau khi giặt trở nên khô ráp nhăn nheo, kèm ngứa ngáy và bong tróc da rất khó chịu…
Da khô ráp, bong tróc da kèm theo cảm giác ngứa ngáy sau khi dùng bột giặt . Ảnh: Bảo Châu
Tại một phòng khám chuyên khoa Da liễu thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, một chị ở phường Ea Tam đến khám đã chia sẻ: chị chị bị dị ứng này đã lâu và đã sống chung với nó, ngày nào cũng giặt tay cả nên da luôn sần sùi, bong tróc, đây là bệnh kinh niên rồi, khó chịu lắm... Tình trạng da khô ráp, bong tróc da kèm theo cảm giác ngứa ngáy sau khi dùng bột giặt là triệu chứng của viêm da dị ứng tiếp xúc mà nguyên nhân chính là chất gây dị ứng như xà phòng giặt, tùy từng người mà có những biểu hiện khác nhau như: ngứa da, sau khi tiếp xúc với xà phòng giặt, tại vị trí tiếp xúc thường gặp là ở bàn tay bị viêm đỏ, nóng ran, có thể rỉ nước gây ngứa ngáy khó chịu. Nhiều người không thể chịu được thường cào gãi và chà xát khiến vùng da này dày sừng. Ngoài ra, còn xuất hiện các thương tổn trên da: đó có thể là nổi dị ứng với các nốt ban, trên da có các nốt sần rõ ràng, có các mụn nước, da phồng rộp, hoặc da khô, đóng vảy, các vết trợt da hoặc da sẫm lại…
Theo các bác sỹ chuyên khoa da liễu thì: khi đã xác định được nguyên nhân gây dị ứng da là xà phòng thì điều trước tiên cần thực hiện và lưu ý đó là tránh tiếp xúc với hóa phẩm này. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì bạn nên bảo vệ da cẩn thận bằng cách dùng bao tay và rửa sạch da cẩn thận ngay sau đó. Bên cạnh đó cần lưu ý: tuyệt đối không được dùng kim khêu chọc mụn nhỏ li ti này để tháo dịch ở đó ra, vì việc làm này thường làm tổn thương lan rộng nhiễm trùng thứ phát. Tránh gãi ngứa hoặc chà xát, gây ra các vết trợt xước gây ra tình trạng nhiễm trùng da. Tốt nhất nên cắt ngắn móng tay. Cứ để nguyên như vậy các mụn nước này khô lại rồi dần dần tróc ra ngoài da và tự bong ra.
Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với xà phòng thì cần dùng găng tay ni lon.
Bạn cần phải đi khám bệnh ở chuyên khoa da liễu để có biện pháp điều trị đúng, tránh trường hợp tự ý mua thuốc về bôi hoặc theo mách bảo làm cho tổn thương càng nặng nề, mất các dấu hiệu đặc trưng để chẩn đoán. Có thể sử dụng băng mát để bảo vệ vùng bị viêm da dị ứng tiếp xúc và ngăn ngừa được tình trạng trầy xước. Chú ý vệ sinh da sạch sẽ, dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không đáng có có thể xảy ra.
Bài: Nguyệt Ánh Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác