12/04/2017 12:00
3 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 4 trường hợp trẻ tử vong do uốn ván sơ sinh. Theo kết quả điều tra của ngành y tế, tất cả những sản phụ này đều sinh con tại nhà mà không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế. Người mẹ cũng không tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván khi mang thai. Điều đáng nói là gia đình của 3 trong số 4 trường hợp đều ở rất gần với Trạm Y tế nhưng kiến thức về chăm sóc sức khỏe khi mang thai cũng như điều kiện an toàn khi sinh đẻ của họ đều rất hạn chế. Đây là lí do khiến tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong vì bệnh uốn ván tăng cao.

Ths.Bs Lê Đình Nhân kiểm tra tình trạng sức khỏe trẻ mắc bệnh uốn ván sơ sinh điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.
Chị H’Ngọc Byẵ (19 tuổi) ở buôn Yang Reh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông sinh con đầu lòng được 6 ngày thì đứa trẻ phải nhập viện vì bị uốn ván sơ sinh. Mặc dù nhà chị Ngọc chỉ cách Trạm Y tế xã Yang Reh hơn 1 km nhưng chị chưa từng đến trạm để tư vấn sức khỏe khi mang thai. Chị Ngọc cho biết chị không hề biết phụ nữ có thai phải tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván. Đến ngày chuyển dạ, chị được mẹ chồng đỡ đẻ tại nhà.
Tương tự như trường hợp của chị H’Ngọc Byẵ, gia đình chị H’Mân BĐáp (37 tuổi) ở buôn Rung, cách Trạm Y tế thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana chưa đầy 1 km nhưng cả 4 lần sinh nở, chị đều sinh tại nhà với sự hỗ trợ của mẹ chồng. Đầu năm 2017, sau khi chị H’Mân sinh đứa con thứ 4 được một tháng thì đứa trẻ tử vong vì bệnh uốn ván sơ sinh. Trước đó, chị H’Mân chưa từng tiêm phòng uốn ván. Mẹ chồng chị, bà H’Vét BKrông cho biết gia đình nghèo nên sinh ở nhà để tiết kiệm chi phí. Bà cũng cho rằng đứa trẻ mất là do số phận xui rủi, vì trước đây, bà đã đỡ đẻ cho nhiều trường hợp nhưng không có vấn đề gì xảy ra, những đứa trẻ khác vẫn lớn lên khỏe mạnh.
Chị Lại Thị Hạnh, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Buôn Trấp, cho biết thị trấn có 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ năm 2012 đến nay, toàn thị trấn có 3 trường hợp tử vong do uốn ván sơ sinh đều tập trung ở 3 buôn này. Thời gian qua, cán bộ và cộng tác viên của trạm vẫn thường đến từng nhà dân để vận động phụ nữ mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván nhưng tỉ lệ phụ nữ được tiêm đầy đủ vẫn chưa đạt yêu cầu. Lí do là một bộ phận người dân chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin, bên cạnh đó, thói quen sinh con tại nhà, nhất là đối với một số hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vẫn còn tồn tại.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Nhân, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh tình trạng chủ động sinh con tại nhà khiến nguy cơ trẻ mắc uốn ván sơ sinh cao thì trong những hoàn cảnh bị động như bà mẹ chậm nhận biết những dấu hiệu chuyển dạ để đến cơ sở y tế sinh con vẫn thường xảy ra. Trường hợp của chị Phan Thị Thu (36 tuổi) ở buôn Tá, xã Ea BHốk, huyện Cư Kuin là một ví dụ. Khi có dấu hiệu chuyển dạ, chị Thu lại tưởng mình bị đau bụng do ăn thức ăn lạ nên đã không kịp đến trạm y tế. Mẹ chồng chị phải đỡ đẻ cho con dâu. Hậu quả là sau 4 ngày sinh, đứa trẻ phải phập viện do bị uốn ván sơ sinh.
Bác sĩ Nhân cho rằng để tránh những trường hợp này, phụ nữ mang thai, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa nên khám thai định kì ít nhất 3 tháng một lần và lưu ý thời gian dự sinh để đến cơ sở y tế kịp thời khi có dấu hiệu chuyển dạ.
Uốn ván sơ sinh là một bệnh truyền nhiễm xảy ra ở trẻ sơ sinh, do vi trùng uốn ván tồn tại trong đất, cát, bụi bẩn, phân trâu bò, bàn tay bẩn … gây ra. Vi trùng uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh qua đường rốn. Khi trẻ vừa sinh ra, nếu dụng cụ cắt rốn hoặc bàn tay người đỡ đẻ không sạch thì vi trùng uốn ván sẽ theo cuống rốn vào máu, gây bệnh cho trẻ. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Nhân cho biết hơn 90% trẻ bị uốn ván sơ sinh tử vong.Trường hợp sống sót, thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển khả năng vận động, bại não, trẻ có thể sống thực vật, tàn tật suốt đời.
Bệnh uốn ván sơ sinh thường xảy ra ở những trường hợp trẻ sinh tại nhà mà không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế. Bệnh thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày 14 sau sinh với những triệu chứng như trẻ bỏ bú, sốt, co cứng, co giật… Để phòng bệnh uốn ván sơ sinh, phụ nữ có thai cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm hai liều vắc xin uốn ván, mỗi liều cách nhau 1 tháng. Liều thứ hai tiêm trước khi thai được 8 tháng. Lần có thai sau tiêm thêm một liều.
- Khám thai ít nhất 3 lần vào giai đoạn 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kì
- Nhận biết sớm các dấu hiệu chuyển dạ để đến cơ sở y tế kịp thời. Không sinh con tại nhà. Nếu trường hợp bắt buộc sinh con tại nhà phải do cán bộ y tế đỡ với gói đẻ sạch.
- Vệ sinh bàn tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn khi chăm sóc rốn của trẻ sơ sinh khi cuống rốn chưa rụng.
Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 35 tuổi) cần tiêm 2 liều vắc xin phòng bệnh uốn ván đầu tiên, mỗi liều cách nhau 1 tháng. Và tiêm các liều bổ sung theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Bài, ảnh: Thu Huế - Đình Thi
Trung tâm truyền thông GDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác