17/09/2019 12:00
Vắc xin phòng bệnh được phát minh ra vào năm 1796, và được thế giới công nhận là một thành tựu y học vĩ đại của nhân loại. Từ khi vắc-xin ra đời, loài người đã thực sự có được một loại vũ khí hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tiêm chủng vắc xin được áp dụng cho cả người lớn và trẻ em, chỉ cần một liều vắc xin cơ thể sẽ miễn nhiễm với nhiều căn bệnh nguy hiểm không thuốc chữa.
.JPG)
Tiêm chủng định kỳ là yếu tố cần thiết để tạo cơ hội cho tất cả trẻ em có cơ hội được khỏe mạnh
ngay từ khi sinh ra.
Ngày nay vắc-xin không những được sử dụng trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mà còn để phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh mãn tính khác như ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi… Vắc-xin ngoài việc giúp cho trẻ em khỏe mạnh, phát triển bình thường về thể chất và trí não, còn giúp cho việc bảo vệ sức khỏe của người lớn như các loại vắc-xin phòng cúm, hoặc các bệnh mãn tính. Tiêm chủng vắc-xin là một trong những can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất trên thế giới, với chi phí thấp nhất nhưng có thể ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong mỗi năm. Nhờ tiêm chủng mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế.
Có thể nói, tiêm chủng vắc xin là chương trình rất quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe ban đầu. Việc tiêm chủng định kỳ là yếu tố cần thiết để tạo cơ hội cho tất cả trẻ em có cơ hội được khỏe mạnh ngay từ khi sinh ra, là nền tảng cho sức khỏe vị thành niên, cải thiện chăm sóc trước sinh và chăm sóc sơ sinh.
Tại Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, chương trình tiêm chủng đã được triển khai từ năm 1981, với hàng trăm triệu liều vắc-xin được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Nhiều loại vắc-xin mới với công nghệ kỹ thuật hiện đại đã được đưa vào sử dụng trong tiêm chủng cho cả trẻ em và người lớn, giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc-xin dự phòng. Thành công của công tác tiêm chủng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em và người dân nói chung.
Hiện nay, tại Đắk Lắk chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai đồng bộ từ tuyến tỉnh, đến tuyến huyện, xã bằng việc tiêm miễn phí 10 loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuyp B, viêm não Nhật Bản B, rubella. Bộ Y tế đã thay thế vắc xin Quinvaxem (Hàn Quốc) bằng vắc xin ComBe Five (Ấn Độ) trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 bao gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và vi khuẩn Hib. Hiệu quả của chương trình là tỷ lệ trẻ mắc bệnh, tử vong do liên quan đến các bệnh đã được tiêm phòng ở trẻ em giảm nhanh. Trong năm 2018, toàn tỉnh có 33.829 trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đạt 92,8%. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng hàng năm của người dân tỉnh Đắk Lắk luôn đạt trên 95% ở cấp huyện và cấp tỉnh. Tuy nhiên ở cấp xã thì nhiều nơi vẫn chưa đạt theo yêu cầu, tại một số điểm ở vùng sâu vùng xa tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt khoảng 50% (Krông Bông, Ea Súp, Ea H’leo và Cư M’gar). Nguyên nhân do việc di cư tự do của người dân từ phía Bắc vào. Một số người dân chưa cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, bỏ mũi tiêm, đồng thời có hiện tượng né tránh, không hợp tác để tiêm chủng.
Bác sĩ Phạm Văn Lào- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc tiêm chủng không đầy đủ và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở một số nơi rất dễ gây nguy cơ bùng phát các dịch bệnh. Do đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch thành lập các đội tiêm chủng cơ động, đến tận các vùng lõm tiêm chủng, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp để tuyên truyền, vận động bà con đưa trẻ đi tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng tại chỗ cho trẻ.
Hiện nay, công tác tiêm chủng đã trở thành hoạt động được thường xuyên và định kỳ, cần thiết cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác tiêm chủng vẫn còn có những tồn tại và thách thức, nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, tiêm không đủ liều hoặc tiêm chủng muộn, tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, để có thể thực hiện bao phủ sức khỏe cho toàn dân, tiến tới hội nhập quốc tế, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngành liên quan để tiếp tục củng cố và phát triển chương trình tiêm chủng mở rộng, đồng thời đảm bảo tính bền vững của chương trình nhằm góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Bài: Minh Thu
Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác