22/08/2023 02:34
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây theo đường máu, do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm vi rút rồi đốt cho người. Bệnh thường gây tổn thương ở não để lại nhiều di chứng và tỷ lệ tử vong cao. Theo các chuyên gia y tế, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Theo số liệu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk năm 2023, từ đầu năm đến 10/8 trên địa bản tỉnh ghi nhận 03 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Ngay sau khi nhận được thông báo các trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện có ca bệnh triển khai điều tra, giám sát và thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phòng bệnh tại nơi bệnh nhân sinh sống.
|
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. (Ảnh: Trần Lan)
|
Để chủ động phòng tránh lây lan và giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm, giảm nguy cơ tử vong do viêm não Nhật Bản, vừa qua Trung tâm truyền thông GDSK Trung ương đã có công văn số 342/GDSKTƯ đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố thông tin kịp thời về diễn biến tình hình dịch bệnh viêm não Nhật Bản tại địa phương để tổ chức các hoạt động truyền thông kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh, thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, vệ sinh môi trường hạn chế nguồn lây truyền. Vận động các bà mẹ, gia đình đưa trẻ đi tiêm phòng vắn xin viêm Não Nhật bản theo lịch tiêm chủng; Khi phát hiện trẻ có sốt và dấu hiệu nghi ngờ cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng, di chứng.
Hiện bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi. Vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín,uống chín. Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất:
Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi.
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, 3-4 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Chủ động cho trẻ tiêm vắc xin và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất./.
Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác