11/09/2023 10:53
Những ngày gần đây, Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên ghi nhận nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ có nguy cơ lây lan rất nhanh và có thể bùng phát thành dịch, nhất là thời điểm học sinh vừa mới tựu trường.
Theo bác sĩ Ngô Văn Cường, Trưởng Khoa mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: “Khi học sinh bắt đầu tựu trường, Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận khám và điều trị từ 40-50 trường hợp đau mắt đỏ, tăng rất nhiều lần so với thời điểm trước đó. Phần lớn, những trường hợp mắc bệnh là trẻ ở độ tuổi mầm non và học sinh. Tại các phòng khám tư, tôi cũng nhận được thông tin số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đau mắt đỏ đang tăng liên tục, có ngày lên đến 100 bệnh nhân. Có gia đình cả nhà 4, 5 người đều mắc do trẻ tiếp xúc với bạn bè bị đau mắt đỏ ở trường rồi sau đó lây cho người thân trong gia đình”.
|
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay để phòng bệnh đau mắt đỏ. (Ảnh: Đình Thi)
|
Cũng theo bác sĩ Cường, triệu chứng ban đầu của bệnh đau mắt đỏ là kết mạc cương tụ, mắt đỏ, nóng rát, đau, chói trong mắt, có thể sợ ánh sáng và kèm theo chảy nước mắt. Với trẻ em, nếu bị đau mắt đỏ, mỗi sáng khi ngủ dậy, ghèn đọng lại thành cục và kết dính khiến trẻ rất đau đớn, khó khăn khi mở mắt. Đau mắt đỏ là bệnh thông thường, không nguy hiểm tính mạng nên có lẽ vì thế mà nhiều người chủ quan. Khi mắc bệnh, nhiều người đã tự điều trị bằng các phương pháp dân gian như: xông nước nóng, lá trầu không, rau răm, tinh dầu bạc hà. Ngoài ra, do nghĩ đơn giản là bệnh đau mắt do nhiễm khuẩn thông thường nên bệnh nhân thường tự ý mua các loại thuốc có corticoid để chữa trị. Việc tự ý điều trị như vậy rất nguy hiểm cho mắt vì có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt. Việc dùng thuốc kéo dài, không đúng chỉ định sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, việc xông các loại tinh dầu còn khiến giác mạc bị phỏng, càng khó chữa. Thực tế đã có những bệnh nhân bị biến chứng phải chữa bệnh tới 6-7 tháng với chi phí rất tốn kém chỉ vì chủ quan.
Bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra hiện không có thuốc đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng để tránh các nhiễm trùng phối hợp giúp bệnh nhân bớt khó chịu và rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Nhiều người đau mắt đỏ cho rằng họ bị bệnh là do lỡ nhìn vào người bệnh nhưng thực tế không có chuyện bị lây do nhìn. Virus gây đau mắt đỏ là loại lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, đường nước nên việc lây lan sang người khác rất dễ dàng và càng dễ bùng phát thành dịch. Khi người bệnh lấy tay dụi mắt rồi lại cầm điện thoại, điều khiển máy điều hòa, nắm cửa, bấm vào thang máy…, sau đó người lành chạm vào những vật dụng đó rồi lấy tay dụi mắt là đã có thể dính virus gây bệnh. Đây chính là nguyên nhân khiến từ một người trong gia đình có thể truyền bệnh cho nhiều người.
|
Bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám và điều trị. (Ảnh: Đình Thi)
|
Bác sĩ Cường khuyến cáo: bệnh đau mắt đỏ ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, do thay đổi thời tiết, virus và vi khuẩn gây bệnh. Bệnh đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan nhưng phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa cho trẻ bằng cách: Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) để rửa mắt khi đi bên ngoài về. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để sớm được thăm khám. Người mắc bệnh cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với mọi người xung quanh, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người. Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối. Khi khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng tránh tái nhiễm lại./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác