19/06/2025 05:36
Mang thai là một giai đoạn vô cùng quan trọng và thiêng liêng trong cuộc đời người phụ nữ. Trong thời kỳ này, nhu cầu dinh dưỡng tăng cao nhằm đáp ứng cho cả mẹ và sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, việc bổ sung các loại khoáng chất và vitamin là cần thiết. Tuy nhiên, một thực trạng đang ngày càng phổ biến và đáng lo ngại là nhiều phụ nữ khi mang thai tự ý sử dụng hoặc lạm dụng các loại thực phẩm chức năng, vitamin và khoáng chất mà không có chỉ định của bác sĩ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Mang thai ở tháng thứ 5 nhưng thường xuyên xuất hiện tình trạng chóng mặt, đau đầu, táo bón nặng, chị V.T.M.T (trú tại phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, trao đổi với bác sĩ, chị chia sẻ: Do mang thai lần đầu nên chị đã chủ động lên mạng tìm hiểu rất nhiều, nhất là các trang Facebook dành cho phụ nữ mang thai. Trong các nhóm trên mạng xã hội, thấy mọi người bảo khi mang thai cần uống sắt, canxi, DHA sẽ tốt cho thai nhi nên chị cũng đặt mua về uống. Vì nghĩ thừa còn hơn thiếu nên có ngày chị uống đến 5 – 6 viên. Do thấy hiện tượng táo bón nặng kèm các bất thường nên chị đi khám. Kết quả bác sĩ cho biết chị V.T.M.T bị dư sắt và canxi, phải dừng lại điều chỉnh. Rất may chị đi khám và phát hiện sớm, để lâu dài chị có thể bị tổn thương gan và các hậu quả nghiêm trọng khác.
.jpg)
|
Không phải tất cả các loại vitamin hay khoáng chất đều có thể tùy tiện sử dụng, đặc biệt là trong thai kỳ. Ảnh: Internet
|
Theo bác sĩ CKII Trần Ngọc Thắng - Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cần khẳng định rằng không phải tất cả các loại vitamin hay khoáng chất đều có thể tùy tiện sử dụng, đặc biệt là trong thai kỳ. Một số loại như sắt, canxi, axit folic, vitamin A, D, E… chỉ phát huy tác dụng tốt nếu được sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm và phù hợp với thể trạng từng người. Việc thiếu hụt có thể gây hậu quả như thiếu máu, chậm phát triển thai nhi; nhưng ngược lại, nếu bổ sung quá liều cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng tự ý bổ sung các khoáng chất, vitamin và bổ sung không đúng cách trong thai kỳ là một vấn đề đáng báo động. Nguyên nhân của thực trạng này phần lớn xuất phát từ tâm lý lo lắng, thiếu kiến thức y học và sự tin tưởng mù quáng vào quảng cáo trên mạng xã hội, các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm sinh con. Thay vì đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn dựa trên kết quả xét nghiệm, nhiều bà bầu lại chọn cách “nghe theo người khác” hoặc “uống cho yên tâm”, dẫn đến tình trạng bổ sung tràn lan, không kiểm soát. Một số người còn sử dụng đồng thời nhiều loại thực phẩm chức năng, gây chồng chéo thành phần, làm tăng nguy cơ ngộ độc hoặc phản ứng phụ. Cụ thể, theo bác sĩ Thắng, đối với các loại vitamin nếu bổ sung quá liều, đặc biệt là vitamin A, có thể gây ngộ độc cho thai phụ với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, chóng mặt, rụng tóc, khô da, thậm chí tổn thương gan. Đối với các loại khoáng chất, thừa sắt có thể gây táo bón nặng, buồn nôn, đau bụng, và lâu dài có thể dẫn đến lắng đọng sắt ở các cơ quan như gan, tim, tụy, gây tổn thương chức năng. Bổ sung quá nhiều canxi có thể gây táo bón, sỏi thận, làm cản trở hấp thu các khoáng chất khác như sắt, kẽm. Bổ sung kẽm không đúng gây thừa kẽm sẽ dẫn tới tình trạng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, và làm giảm hấp thụ đồng. Bên cạnh đó, nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt và canxi, khi bổ sung không đúng cách (liều lượng cao, không đúng thời điểm) có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu, làm trầm trọng thêm tình trạng ốm nghén. Một số triệu chứng của tình trạng thiếu chất có thể bị che lấp bởi việc bổ sung thừa một chất khác, dẫn đến chẩn đoán sai hoặc chậm trễ điều trị các vấn đề sức khỏe thực sự. Một số thành phần trong viên uống bổ sung có thể gây phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm.
Đối với thai nhi, khi bổ sung các loại vitamin không đúng cách cũng để lại nhiều hệ lụy. Việc bổ sung thừa vitamin A, đặc biệt là ở dạng retinol, có thể gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở thai nhi, ảnh hưởng đến tim, hệ thần kinh trung ương, sọ mặt và các cơ quan khác. Thừa vitamin D quá mức có thể dẫn đến tăng canxi máu ở thai phụ và thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển xương và thận của thai nhi. Bổ sung quá nhiều canxi có thể gây ra tình trạng cốt hóa sớm sọ thai nhi, làm cứng đầu thai nhi, gây khó khăn cho quá trình sinh nở, đồng thời tăng nguy cơ lắng đọng canxi ở bánh rau, làm giảm chức năng của bánh rau và ảnh hưởng đến sự cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Sắt dư thừa có thể gây stress oxy hóa, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Việc bổ sung quá nhiều một chất có thể làm cản trở hấp thu các chất dinh dưỡng khác, dẫn đến mất cân bằng tổng thể về dinh dưỡng cho thai nhi, dù thai phụ đã bổ sung rất nhiều. Một số nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là thừa một số chất, có thể liên quan đến nguy cơ sinh non hoặc thai nhi nhẹ cân.
(1).jpg)
|
Tự ý bổ sung vitamin và khoáng chất trong thai kỳ là con dao hai lưỡi, cần tuân theo hướng dẫn của ba1c sĩ chuyên khoa. Ảnh: Internet
|
Việc tự ý bổ sung các loại vitamin và khoáng chất gây ra nhiều hệ lụy, do đó, theo bác sĩ Thắng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức cho phụ nữ mang thai về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc, vitamin và khoáng chất đúng cách, đúng người, đúng liều. Thai kỳ là quãng thời gian mà mọi sự tác động, dù nhỏ, cũng có thể để lại ảnh hưởng lâu dài cho cả mẹ và con. Vì vậy, mỗi người phụ nữ mang thai cần biết lắng nghe cơ thể mình, nhưng cũng cần biết lắng nghe lời khuyên từ người có chuyên môn y tế. “Tóm lại, việc bổ sung vitamin và khoáng chất trong thai kỳ là cần thiết nhưng phải được thực hiện có kiểm soát và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Thai sản là hành trình không chỉ của bản năng mà còn là hành trình của hiểu biết, của sự tỉnh táo và trách nhiệm – không chỉ với bản thân mà còn với tương lai của một con người mới đang hình thành”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Tự ý bổ sung vitamin và khoáng chất trong thai kỳ là con dao hai lưỡi. Bổ sung đúng sẽ giúp mẹ khỏe – con phát triển tốt, nhưng bổ sung sai cách lại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, điều cần thiết nhất với phụ nữ mang thai là lắng nghe cơ thể và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa thay vì tự ý quyết định theo cảm tính hay tin vào các lời khuyên không chính thống./.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác