26/06/2025 03:51
Hiện nay, thị trường thực phẩm đang tồn tại nhiều bất ổn khi có nhiều loại thực phẩm giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan. Trước thực trạng đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, người dân cũng đã tự nâng cao ý thức trong thói quen mua sắm, lựa chọn thực phẩm sạch cho bản thân và gia đình.
Giữa “ma trận” thực phẩm bẩn, thay vì đi chợ truyền thống, một số người tiêu dùng đã lựa chọn thực phẩm nhà làm để kiểm chứng được nguồn gốc và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Chị L.T.T.T (37 tuổi, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, chị rất hoang mang vì thực phẩm giả, thực phẩm bẩn bị phát hiện gần đây với số lượng rất lớn, đáng nói nhiều sản phẩm thực phẩm đến từ thương hiệu uy tín khiến niềm tin của chị giảm sút. Ngoài thực phẩm tươi sống, nhiều nguyên liệu, gia vị sử dụng để nấu ăn trong gia đình chị T. hiện đã được thay thế bằng các sản phẩm nhà làm. Không sử dụng hạt nêm, bột ngọt như trước, chị chọn bột gia vị được làm từ nấm đông cô, tép khô, rong biển… phơi sấy tự nhiên. Theo chị T, cách làm này tốn rất nhiều thời gian, công sức, trung bình để hoàn thành một mẻ gia vị mất từ 6 - 7 giờ đồng hồ, giá thành cũng sẽ cao hơn gia vị mua sẵn tại chợ nhưng chị luôn yên tâm và tin tưởng về chất lượng vì chính tay mình làm.
Cũng như chị T, chị V.T.N.S (34 tuổi, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã tận dụng thùng xốp cũ để trồng rau sạch trong khoảnh sân trước nhà. Ở trung tâm thành phố với diện tích nhà ở khá nhỏ, không thể nuôi gia súc, gia cầm, chị S chọn cách liên hệ với bạn bè, người thân ở các huyện, thị xã để đặt hàng các loại thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá được nuôi tự nhiên. Thực phẩm sau khi sơ chế được chị S phân thành từng phần nhỏ, cấp đông và sử dụng trong vòng 1 tuần đến 10 ngày. “Trước đây tôi thường ra chợ mua sẵn đồ ăn, nhưng bây giờ thấy thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan nên tôi chuyển sang tự làm các món ăn cho gia đình. Rau tôi trồng trong thùng xốp trên sân thượng, thịt thì đặt từ người quen nuôi, còn giò chả, giá đỗ, sữa chua tôi đều tự tay làm. Tuy vất vả hơn một chút nhưng đổi lại tôi yên tâm vì biết rõ thực phẩm mình dùng, không lo hóa chất hay chất bảo quản độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người thân”, chị S chia sẻ.
(1).jpg)
|
Người dân cần nâng cao ý thức từ nhà ra chợ, hãy là người tiêu dùng thông thái giúp ngăn ngừa nguy cơ sử dụng thực phẩm giả, thực phẩm bẩn ngay trong bữa ăn hằng ngày. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Ông Trần Quang Hưng, Phó Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Sở Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 14 người mắc, trong đó có 12 người nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong (tăng 1 vụ, giảm 19 người mắc so với cùng kỳ 2024). Các ngành chức năng cũng đã triển khai 6 đợt kiểm tra về ATTP, với 7.718 cơ sở thực phẩm được kiểm tra, trong đó 7.082 cơ sở đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ 91,8%. Các cơ quan chức năng cũng đã xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với 196 cơ sở, tổng số tiền phạt trên 500 triệu đồng.
Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP đã được các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh chú trọng, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại gây nguy cơ mất ATTP. Nguyên nhân là do việc tuân thủ quy định của các cơ sở còn hạn chế, đặc biệt là việc kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu đầu vào chưa chặt chẽ. Với vấn đề này, Phòng An toàn thực phẩm đã tham mưu cho các cấp, ngành thành lập các đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra đột xuất với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là đơn vị cung cấp cho siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học bán trú. Hướng dẫn về việc lưu mẫu thức ăn, trong đó đặc biệt là lưu ý về kiểm thực ba bước ngay từ nguyên liệu đầu vào, xác định nguy cơ từ sớm để loại bỏ thực phẩm không an toàn.
Bên cạnh thực phẩm tươi sống hàng ngày, với các sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo tràn lan trong thời gian dài, Phòng An toàn thực phẩm cũng tăng cường kiểm soát, định kỳ mua mẫu thực phẩm chức năng ngẫu nhiên tại quầy thuốc để gửi đi kiểm nghiệm theo bản tự công bố của doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế để xử lý với các mẫu không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu buộc thu hồi và gửi văn bản đến đơn vị có liên quan để khuyến cáo các cơ sở không kinh doanh, người dân không sử dụng.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, để bảo đảm ATTP, người dân cần nâng cao ý thức từ nhà ra chợ, hãy là người tiêu dùng thông thái giúp ngăn ngừa nguy cơ sử dụng thực phẩm giả, thực phẩm bẩn ngay trong bữa ăn hằng ngày. Thêm vào đó, sự giám sát của cộng đồng, sự tham gia đồng hành ngăn ngừa thực phẩm bẩn của cấp ủy, chính quyền các cấp là vô cùng cần thiết. Sắp tới, Sở Y tế sẽ tham mưu các cấp ngành hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các địa phương, đơn vị với ngành y tế về công tác bảo đảm ATTP và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện việc sắp xếp và tinh gọn bộ máy, việc phân quyền cho chính quyền cấp xã sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc bảo đảm ATTP, phòng chống nguy cơ xảy ra ngộ độc tập thể ngay từ cơ sở, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác