27/06/2025 03:00
Tai nạn thương tích là một tổn thương xảy ra bất ngờ mà con người không làm chủ, không biết trước được. Có nhiều nguyên nhân gây tai nạn thương tích khác nhau, có thể là do sự bất cẩn, thiếu kiến thức, sự cố xảy ra ngoài ý muốn hoặc do các yếu tố khách quan như điều kiện thời tiết, môi trường. Tất cả các tai nạn thương tích có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng và cuộc sống của người bị nạn, thậm chí gây ra những tổn thất về kinh tế và xã hội.
Số liệu thống kế từ các cơ sở y tế trên cả nước, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế với hơn 30 nghìn người tử vong. Tại tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, năm 2024 toàn tỉnh đã ghi nhận 39.382 trường hợp bị tai nạn thương tích với 416 trường hợp tử vong. Trong đó, tai nạn giao thông khoảng 13.200 trường hợp bị với 188 trường hợp tử vong, chiếm gần 1/2 tổng số trường hợp tử vong do tai nạn thương tích toàn tỉnh. Cùng với đó là đuối nước, dù chỉ chiếm hơn 100 trường hợp nhưng lại có tới 62 trường hợp tử vong, chiếm gần 15% tổng số tử vong. Ngoài ra, tai nạn do bỏng cũng là một tai nạn thương tích thường gặp với hơn 400 ca mắc được ghi nhận trong năm qua. Dù tỷ lệ tử vong do bỏng không cao, nhưng hậu quả để lại cho nạn nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Doãn Sơn, Phó Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: “Có nhiều loại tai nạn thương tích, ví dụ như đuối nước, bỏng, chấn thương trong thể thao, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, trèo cao té ngã, động đất, sập nhà cửa, chiến tranh, bạo hành...Hiện nay, trung bình một ngày Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận khoảng 40 trường hợp bị tai nạn thương tích, trong đó tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ nhiều nhất, kế đến là tai nạn lao động, tai nạn về đuối nước, tai nạn bỏng. Các loại hình tai nạn thương tích sẽ tăng lên theo mùa, theo ngày, chẳng hạn mùa lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật tiếp nhận nhiều bệnh nhân do tai nạn giao thông; Mùa hè chủ yếu là đuối nước, bỏng; Mùa hái tiêu, hái cà phê thì té ngã, chấn thương cổ, cột sống…".
.jpg)
|
Các bác sĩ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hướng dẫn cách sơ cấp cứu ban đầu khi bị đuối nước. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Cũng theo bác sĩ Sơn, hiện nay, công tác phòng chống tai nạn thương tích đang còn những khó khăn, thách thức. Về yếu tố khách quan, nguy cơ thương tích gia tăng trong môi trường sống liên quan đến đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng cũng như các yếu tố thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường. Về yếu tố chủ quan, chính quyền địa phương nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đầu tư công trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích; nhiều nguyên nhân tai nạn thương tích chưa được chú trọng, ưu tiên can thiệp như: đuối nước, bỏng, hóc, sặc ở trẻ em, ngã ở người già; công tác thông tin, tuyên truyền còn hạn chế, nhận thức về nguy cơ và phòng, chống tai nạn thương tích chưa được sâu. Đội ngũ cán bộ phòng, chống tai nạn thương tích tại các tuyến còn hạn chế về năng lực, trong khi đó năng lực sơ cứu tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu khi có thương tích xảy ra.
“Nhiều trường hợp bị tai nạn thương tích không được sơ cứu đúng cách trước khi đưa đến bệnh viện nên hậu quả để lại rất nặng nề. Chẳng hạn một người bị gãy xương đùi, hoặc té ngã gãy cổ, gãy đốt sống lưng, khi người dân phát hiện họ không dùng thanh gỗ cố định vị trí gãy cho nạn nhân mà bế nạn nhân đi cấp cứu ngay, hành động bế sốc nạn nhân lên sẽ làm nặng thêm cột sống, nhiều khi cột sống chưa đến nỗi gãy nhưng nếu không biết cách xử trí sẽ làm tổn thương thứ phát, dễ đứt ngang tuỷ hoặc để lại di chứng không có khả năng hồi phục cũng như không phẫu thuật được. Ngược lại, nếu chúng ta cố định bệnh nhân tốt, vận chuyển bệnh nhân an toàn thì cơ hội sống sót cao hơn và di chứng để lại cho bệnh nhân rất thấp. Còn với tai nạn đuối nước, nếu không được sơ cấp cứu sớm, sẽ gây nên tình trạng thiếu o xi, đặc biệt là thiếu oxy não và để lại di chứng đó là bệnh nhân sống thực vật hoặc bệnh nhân bị di chứng não, chậm phát triển về trí tuệ, gây tình trạng động kinh. Đối với tai nạn thương tích do bỏng, da có chức năng là ngăn cản các độc tố xâm nhập vào trong máu. Khi bỏng lớp da thì đã mất lớp bảo vệ, lúc này chỉ có niêm mạc. Trường hợp bị bỏng không xử trí đúng cách, các độc tố sẽ thấm ngay vào trong mao mạch và đi vào máu của bệnh nhân. Nếu tự ý đắp lá cây thì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng, nó không giúp vết thương nhanh lành hơn. Đắp kem đánh răng chỉ làm giảm nóng, giúp làm mát chứ không giúp ích gì cho quá trình hồi phục mà nó còn làm cho nặng thêm tổn thương của bệnh nhân”, bác sĩ Sơn cảnh báo.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo: Để đảm bảo an toàn các cơ quan chức năng cần mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho những cán bộ phụ trách công tác phòng chống tai nạn thương tích ở các địa phương, sau đó họ sẽ là những tuyên truyền viên hướng dẫn lại cho người dân biết được những nguy hiểm, nguy cơ xảy ra khi bị tai nạn thương tích để có hướng xử trí. Đặc biệt, khi gặp trường hợp bị tai nạn, nếu không có chuyên môn về sơ cứu thì nên liên hệ với nhân viên y tế gần nhất để cùng sơ cấp cứu tại chỗ hoặc dùng điện thoại mở loa ngoài với nhân viên y tế để họ hướng dẫn sơ cấp cứu, việc làm này thì sẽ an toàn cho bệnh nhân; trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 4 rất dễ bị tai nạn thương tích, vì vậy cần có rào chắn xung quanh ao, hồ; chum, vại, các dụng cụ chứa nước…cần được đậy nắp; giám sát trẻ khi tắm trong bồn, bể bơi để phòng đuối nước; làm cổng chắn đối với những nhà gần đường giao thông để phòng ngừa tai nạn giao thông; các hoá chất tẩy rửa, thuốc cần được để ở nơi có khóa, không cho trẻ tiếp cận; dao kéo, phích nước để xa tầm với của trẻ tránh chấn thương do vật sắc nhọn và bỏng. Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên, cần dạy trẻ kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với nước, dạy bơi cho trẻ và kỹ năng sơ cấp cứu căn bản; cung cấp cho trẻ kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác