11/07/2025 08:07
Những ngày gần đây, số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, đồng thời có nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng, diễn biến phức tạp với biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.
Từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận điều trị gần 250 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó bệnh nặng là 29 trường hợp. Những ngày gần đây, trung bình một ngày Khoa truyền nhiễm tiếp nhận điều trị khoảng 10 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Đơn cử như trường hợp của ông N.B.N ở phường Tân Lập, tỉnh Đắk Lắk bị sốt xuất huyết thể nặng, khi nhập viện, tiểu cầu tụt trầm trọng. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lập tức huy động người nhà hiến tiểu cầu và truyền tiểu cầu gấp cho bệnh nhân. Nhờ sự có mặt kịp thời của các tình nguyện viên hiến tiểu cầu, bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Trước đó, ông N bị sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt cũng không có dấu hiệu hạ sốt, cơ thể càng ngày càng mệt, suy kiệt, chân tay bủn rủn kèm đau đầu và chảy máu chân răng nên gia đình đã chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để thăm khám, điều trị.
.jpg)
|
Ông Y.H.N ở xã Cuôr Đăng tỉnh Đắk Lắk đang điều trị sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
|
Trường hợp khác là ông Y.H.N, ở xã Cuôr Đăng tỉnh Đắk Lắk, trước khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị, ông Y.H.N có dấu hiệu sốt cao liên tục, cơ thể đau nhức và được gia đình chuyển ngay đến bệnh viện trong tình trạng huyết áp tụt, sốc. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông Y.H.N bị sốt xuất huyết Dengue nặng, biến chứng viêm phổi. Sau 5 ngày điều trị, ông đã giảm sốt nhưng vẫn phải thở oxi.
Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi Aedes aegypti truyền bệnh. Bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm và gia tăng vào mùa mưa. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh thường sốt cao đột ngột, người mệt mỏi, rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau thắt lưng, thường kèm theo đau họng, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Bệnh nhân có thể giảm sốt nhưng không phải đang hồi phục mà ngược lại, cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng. Người bệnh giảm tiểu cầu trong máu nên có thể xảy ra rất nhiều biến chứng và xuất hiện xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc tập trung, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím; chảy máu mũi, chân răng, chảy máu cam. Bệnh nhân có thể bị biến chứng nặng hơn như: Chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa, nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Nếu không bù đủ dịch kịp thời, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp do hiện tượng cô đặc máu. Sốt xuất huyết nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề và có thể tử vong.
Bác sĩ H’Nuen H’Đơk – Phó Trưởng Khoa Phụ trách Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Nhiều trường hợp khi bị sốt đã tự ý mua thuốc uống hoặc truyền nước tại nhà. Tự ý mua thuốc hạ sốt về uống có thể gây xuất huyết hoặc suy gan. Còn việc tự truyền dịch tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế là hết sức nguy hiểm, bởi khi truyền dịch bác sĩ tính liều lượng rất sát sao, điều dưỡng theo dõi quá trình truyền dịch 15-30 phút, 1 tiếng mỗi lần. Các chỉ số được điều dưỡng ghi chép rất chi tiết từ liều lượng, huyết áp, nhịp thở đến số lượng nước tiểu, ăn được bao nhiêu… để cân đối lượng dịch ra và vào của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu tự truyền dịch tại nhà thì bệnh nhân sẽ không tính được những yếu tố nói trên. Truyền quá đà sẽ dẫn đến các triệu chứng cảnh báo như nôn, buồn nôn, đau bụng, khó thở do tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi… khi nhập viện đã ở tình trạng xấu. Do vậy, để đánh giá xác định một trường hợp bị sốt xuất huyết thì bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám, làm xét nghiệm. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể từng trường hợp.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết, điều trị triệu chứng là phương pháp điều trị bệnh chủ yếu được áp dụng. Trường hợp người bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà, nghỉ ngơi và uống nhiều nước, ăn các món mềm có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt bằng Paracetamol hoặc uống Oresol để bù điện giải, lau mát ở vùng nách và bẹn khi sốt cao. Những người béo phì, bị bệnh lý nền, như cao huyết áp, tiểu đường…người già trên 60 tuổi, trẻ nhũ nhi, phụ nữ có thai và những người sống xa cơ sở y tế khi có sốt và có những triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà./.
Bài: Mỹ Hạnh; ảnh: Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác