11/07/2025 11:20
Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (Whitmore) tại khu vực Krông Bông và Cư M’Gar. Đây là 02 bệnh nhân Whitmore đầu tiên trong năm 2025 của tỉnh Đắk Lắk. Sau khi ghi nhận hai trường hợp mắc bệnh, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã lập tức triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân B.I.C (Nam, SN 1970, trú tại thôn Hiệp Đoàn, xã Ea M’Đroh, tỉnh Đắk Lắk). Theo bệnh nhân, ngày 11/6, ở nhà bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, khó thở kèm ho có đờm. Từ ngày 18/6 – 23/6, bệnh nhân đi khám, điều trị tại Trung tâm Y tế Buôn Đôn với chẩn đoán Suy hô hấp cấp/ Viêm phổi nặng/ Đái tháo đường type 2/ Tổn thương thận cấp/ Viêm khớp háng (T)/ Cơn đau thắt ngực/ Tăng mỡ máu. Ngày 23/6, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán Viêm phổi nặng/ Đái tháo đường type 2/ Tăng huyết áp. Ngày 02/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm vi sinh dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân D.L.M (Nam, SN 1960, trú tại thôn Quảng Đông, xã Hòa Sơn, tỉnh Đắk Lắk). Ngày 14/6, khi ở nhà bệnh nhân có triệu chứng sốt, tiểu buốt. Ngày 24/6, bệnh nhân đi khám, nhập Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên với chẩn đoán bí tiểu do phì đại tiền liệt tuyến/ Tăng huyết áp. Ngày 30/6, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm vi sinh dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
.jpg)
|
Bác sĩ thăm khám cho 2 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện.
|
Theo bác sĩ Hoàng Nguyên Duy – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh Whitmore trên địa bàn, để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore gây nên, Sở Y tế đã ban hành Công văn đề nghị các đơn vị triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống bệnh. Trong đó, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn triển khai công tác tập huấn, phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Whitmore đã được Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 6101/QĐ-BYT ngày 30/12/2019 tới toàn thể nhân viên y tế trong đơn vị. Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chẩn đoán do đó khi có ca bệnh nghi ngờ các cơ sở y tế cần tổ chức hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp và tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh nắm được các biện pháp phòng, chống bệnh. Đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Whitmore. Đối với các Trung tâm Y tế, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, triển khai xử lý triệt để, hạn chế lây lan trong cộng đồng, nhất là tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (như tại các khu vực Krông Bông và Cư M’Gar). Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống; đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp ở vùng nguy cơ (nơi đã từng có ca bệnh Whitmore). Vận động người dân chủ động thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh. Sở Y tế cũng yêu cầu các Trung tâm Y tế cần duy trì hoạt động hiệu quả hệ thống giám sát tại cơ sở, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị sớm nhất, tránh các biến chứng nặng, hạn chế lây lan, bùng phát dịch, đặc biệt chú ý đối với các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore. Đồng thời thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc. Tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc bệnh Whitmore, phân tích nguy cơ nhằm triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore có hiệu quả. Để công tác phòng, chống bệnh Whitmore đạt hiệu quả, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tham mưu Sở Y tế tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh Whitmore tại các điểm nóng, các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch Whitmore tại các địa phương để tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ; phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời hướng dẫn chuyên môn và kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên trên địa bàn. Chú ý theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời tham mưu kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị; đề xuất kịp thời các biện pháp triển khai công tác phòng chống dịch bệnh.
Với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sự xuất hiện liên tiếp của hai ca bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh đòi hỏi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức trong công tác phòng, chống bệnh. Ngành Y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức phòng bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe một cách bền vững, rất cần sự chung tay của toàn thể người dân, cùng với sự chủ động, quyết liệt vào cuộc của các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác