16/07/2025 11:40
Ngày 15/7, CDC tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Cơ quan Nghiên cứu quốc gia Pháp về HIV/AIDS, viêm gan và các bệnh truyền nhiễm mới nổi (ANRS/MIE), nhằm thảo luận các hoạt động hợp tác với ANRS/MIE về HIV/AIDS, viêm gan và sốt xuất huyết (SXH) trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác đã ký ngày 18/01/2018 với Bộ Y tế Việt Nam.
Tham gia đoàn công tác có Tiến sĩ Laureillard Didier Jean Louis - Điều phối viên ANRS/MIE phụ trách Việt Nam; Tiến sĩ, bác sĩ Gourinat Ann Claire - Phó Điều phối viên ANRS/MIE tại Việt Nam; Tiến sĩ Đoàn Thị Thùy Linh – Đại diện Phòng Kiểm soát HIV và bệnh truyền nhiễm mạn tính; PGS.TS Vũ Hải Vinh – Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng. Về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, BS.CKII Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm cùng đại diện các khoa, phòng liên quan đã tiếp và làm việc với đoàn.
Tại buổi làm việc, đại diện CDC Đắk Lắk, bác sĩ CKII Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm đã trình bày tổng quan tình hình dịch tễ tại địa phương, bao gồm diễn biến của dịch HIV/AIDS, viêm gan vi rút và SXH trong thời gian gần đây. Các khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch cũng được chia sẻ, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi vẫn còn hạn chế trong tiếp cận dịch vụ y tế. Cụ thể, đối với dịch bệnh SXH, 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh ghi nhận 1.139 trường hợp mắc, số mắc ghi nhận tại tất cả các xã/phường và chưa có trường hợp tử vong, số trường hợp mắc SXH tăng nhanh từ tháng 6/2025. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh SXH đang bùng phát và sẽ bước vào giai đoạn diễn biến phức tạp do thời tiết, bước vào mùa mưa - những yếu tố thuận lợi để muỗi phát triển; Chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chưa hiệu quả, trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan và sự chủ quan của người dân. Đối với HIV/AIDS, số lũy tích người nhiễm HIV toàn tỉnh Đắk Lắk là 2.955người, trong đó số người nhiễm HIV còn sống tính đến đến thời điểm báo cáo là 1.785 người. Hiện tỉnh đang điều trị ARV cho 838 trường hợp và đang điều trị Methadone cho 175 trường hợp. Số nhiễm HIV trên địa bàn tập trung ở nhóm nguy cơ cao. Trong đó, nhóm vợ/chồng/bạn tình chiếm tỷ lệ cao nhất với 35,66%, tiếp đến là nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM) với 21,76% và nghiện chích ma túy là 21,49%. Theo đánh giá, nhận xét của bác sĩ Lê Phúc, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ mắc HIV có xu hướng gia tăng trong nhóm MSM. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, theo dõi và can thiệp do rào cản về kỳ thị, phân biệt đối xử và thiếu đội ngũ tiếp cận cộng đồng chuyên biệt. Đặc biệt, phần lớn các ca nhiễm HIV mới được phát hiện tập trung ở nhóm tuổi 15–49, là nhóm tuổi lao động chính. Tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, phản ánh sự lây truyền HIV trong nhóm bạn tình khác giới, và mức độ lan rộng của dịch ra ngoài các nhóm nguy cơ truyền thống. Một thực tế đáng quan ngại là độ tuổi người nhiễm HIV đang ngày càng trẻ hóa, cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc tăng cường truyền thông thay đổi hành vi và mở rộng xét nghiệm sớm, đặc biệt trong thanh thiếu niên và nhóm thanh niên có hành vi nguy cơ. Tình trạng di biến động dân cư ngày càng tăng đã gây khó khăn trong việc tiếp cận, giám sát và quản lý người nhiễm HIV, cũng như duy trì điều trị liên tục và lâu dài cho các trường hợp đang điều trị ARV. Việc theo dõi, cập nhật thông tin dịch tễ và thực hiện các biện pháp can thiệp hiệu quả cũng trở nên phức tạp và tốn nhiều nguồn lực.
.jpg)
|
Bác sĩ CKII Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk báo cáo tình hình dịch bệnh SXH và HIV/AIDS trên địa bàn.
|
Đối với hoạt động phòng, chống bệnh HIV/AIDS, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai một số hoạt động nhằm ước tính quy mô quần thể MSM – nhóm có nguy cơ cao trong công tác phòng, chống HIV/AIDS như đếm số lượng MSM qua ứng dụng mạng xã hội (Blued) và ước tính quy mô MSM theo mô hình tích hợp. Cả hai phương pháp đều chỉ ra rằng quần thể MSM tại Đắk Lắk là có thực, có quy mô đáng kể, và cần được đưa vào chiến lược can thiệp trọng điểm trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.
Cũng theo bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong hoạt động phòng chống SXH, viêm gan vi rút và HIV/AIDS mặc dù có những thuận lợi như sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ chuyên môn từ Cục Phòng bệnh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và từ các tổ chức quốc tế… Nhưng thực tế công tác phòng, chống SXH, viêm gan và HIV/AIDS còn gặp nhiều khó khăn như ý thức của người dân chưa cao, thiếu kinh phí cho các hoạt động giám sát dịch, truyền thông, và huy động cộng đồng, nhân lực y tế tuyến cơ sở còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc, dẫn đến quá tải. Hiện nay, tại tỉnh Đắk Lắk không có chương trình hay dự án viện trợ nào hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nguồn lực triển khai các hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách địa phương cấp hàng năm, kinh phí còn rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn…
Trong khuôn khổ buổi làm việc, để công tác phòng chống SXH, HIV/AIDS và viêm gan vi rút trên địa bàn đạt hiệu quả hơn, CDC tỉnh đã đề nghị đoàn công tác hỗ trợ triển khai hiệu quả các hoạt động giám sát trọng điểm (HSS+), nhằm nâng cao chất lượng dữ liệu dịch tễ và xây dựng định hướng can thiệp phù hợp. Đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho tỉnh trong việc xây dựng bản đồ điểm nóng của các nhóm đối tượng nguy cơ cao như: nghiện chích ma túy, MSM; Hỗ trợ nguồn kinh phí và biện pháp tiếp cận cho đội ngũ tiếp cận cộng đồng tại các địa phương trong những năm tiếp theo một cách hiệu quả và bền vững cũng như hỗ trợ đánh giá và can thiệp trong vấn đề tiếp cận dịch vụ HIV trong nhóm MSM. Đối với dịch bệnh SXH, CDC mong muốn đoàn công tác tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế và đội xung kích về kỹ thuật giám sát lăng quăng, phun hóa chất, truyền thông thay đổi hành vi. Đồng thời hỗ trợ xây dựng bộ tài liệu truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ địa phương, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch dựa vào cộng đồng cũng như hỗ trợ test chẩn đoán nhanh các các TYT xã/ phường; hóa chất diệt lăng quăng/ bọ gậy…
Tại buổi làm việc, sau khi nghe các ý kiến của CDC tỉnh, phía ANRS/MIE đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc mở rộng dự án nghiên cứu can thiệp cộng đồng, tăng cường đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho CDC. Đoàn công tác cũng trao đổi cụ thể về khả năng triển khai dự án nghiên cứu trong thời gian tới, đặc biệt là nghiên cứu về giám sát dịch tễ, tăng cường phát hiện sớm ca bệnh và hiệu quả can thiệp điều trị HIV/AIDS, viêm gan cũng như dịch bệnh SXH. ANRS/MIE đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế Đắk Lắk trong việc chủ động kiểm soát dịch bệnh, và mong muốn thúc đẩy, triển khai nhanh các hoạt động nghiên cứu phối hợp trong thời gian sớm nhất nhằm tìm ra các giải pháp can thiệp hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương.
.jpg)
|
Tiến sĩ Laureillard Didier Jean Louis - Điều phối viên ANRS/MIE phụ trách Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà CDC đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS.
|
Buổi làm việc diễn ra trong tinh thần cởi mở, hợp tác và mang lại những trao đổi chuyên môn thiết thực. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, hướng tới mục tiêu cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Nguyên. Dự kiến kế hoạch nghiên cứu của đoàn sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh vào tháng 8/2025.
Bài: Mai Lê; ảnh: Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác