23/07/2025 01:59
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm các yếu tố bệnh lý, tâm lý và môi trường. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là rất quan trọng để giúp trẻ khắc phục tình trạng này và phát triển toàn diện.
Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ là một trạng thái mà trẻ gặp khó khăn trong việc đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ tiếp nhận và diễn đạt. Các biểu hiện của trạng thái này bao gồm khó khăn trong việc hiểu lời nói, phản ứng với lời nói của người khác; sự chậm trễ trong việc nói, không thể ghép từ thành câu, vốn từ ít hoặc diễn đạt câu vụng về. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là khi tới 2 tuổi mà vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa ghép được từ thành câu.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Đa số trẻ có thể bắt kịp đà phát triển khi đến 4 tuổi nếu nhận được sự can thiệp sớm và tích cực. Tuy nhiên, một số trẻ vẫn có thể gặp khó khăn về ngôn ngữ sau 4 tuổi, vì vậy việc can thiệp lâu dài là cần thiết.
.jpg)
|
Khi nhận thấy trẻ có bất kỳ những dấu hiệu cho thấy trẻ có chứng chậm nói, các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để các bác sĩ kiểm tra.
|
Tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thời gian gần đây số bệnh nhi đến khám vì chứng rối loạn tâm lý, ngôn ngữ ngày một nhiều. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận, điều trị cho 6 đến 7 trường hợp bệnh nhi. Đa số bệnh nhi thường có một trong các biểu hiện như: chậm nói, ít nói hay nháy mắt, nhún vai, nhăn trán, lắc đầu, thở dài, lẩm bẩm, hắng giọng, la hét... Qua khai thác tiền sử thì ngoài các yếu tố di truyền, có thể do trẻ gặp vấn đề ở cơ quan phát âm như tai, mũi, họng hoặc cơ quan chỉ huy gặp vấn đề ( não bộ bị dị tật bẩm sinh, bại não, di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não…); trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ; có thể do trẻ được cưng chiều hoặc bỏ bê quá mức, hay một biến cố nào đó xảy ra làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, trẻ nghiện xem điện thoại, ti vi khi ở nhà.
Trường hợp bé N.Q.T, 6 tuổi, trú tại phường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được gia đình đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện với triệu chứng chậm nói. Được biết, trước đó bé vẫn nói được, tuy nhiên thời gian gần đây, bệnh nhân có biểu hiện ít nói, chậm nói và hay mất tập trung. Qua khai thác tiền sử, được biết cha mẹ bé T thường bận bịu với công việc làm ăn xa, bé ở nhà với ông bà ngoại, thường xuyên xem ti vi. Càng về sau thấy bé càng ít nói, lên lớp ít giao tiếp với bạn bè và mất tập trung nên gia đình đưa cháu tới bệnh viện để được tư vấn và điều trị.
.jpg)
|
Việc can thiệp sớm cho trẻ chậm nói mang lại nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm cải thiện kỹ năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ, tăng cường kỹ năng xã hội và giúp trẻ hoà nhập cộng đồng tốt hơn.
|
Trường hợp khác là bé T.T.H 4 tuổi ở xã Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, bé chỉ nói được vài từ đơn, không ghép được từ, vốn từ hạn chế và thường im lặng trong thời gian dài. Đến khi 4 tuổi, bé vẫn nói không rõ nghĩa, thường xuyên sót âm, khó hiểu. Dù bé có thể tương tác với gia đình, chơi đồ chơi, giao tiếp cơ bản như vẫy tay, gật đầu và biết thể hiện cảm xúc khi không được đáp ứng nhu cầu nhưng gia đình vẫn lo lắng vì bé chậm ngôn ngữ hơn so với bạn cùng tuổi.
Bác sĩ Phan Thị Hồng Hạnh – Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, hiện nay, điện thoại, máy tính bảng, tivi luôn được xem như là "cứu cánh" của phụ huynh trong việc dỗ dành con cái, tạo thời gian cho mình làm việc. Thậm chí, điện thoại, tivi trở thành công cụ để dỗ dành con trong ăn uống. Chính việc này đã tạo ra một thói quen xấu và đẩy trẻ vào việc “nghiện” xem điện thoại, tivi, gây ra những rối loạn về tâm lý, sức khỏe. Điều đáng lo ngại là mặc dù trẻ xuất hiện các triệu chứng nhưng nhiều phụ huynh lại không kịp thời nhận ra, đến khi các rối loạn tâm lý diễn ra trong một thời gian dài và nghiêm trọng mới phát hiện thì việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Ngôn ngữ là công cụ để hiểu thế giới và thế giới hoạt động như thế nào. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn trong tiếp nhận thông tin, hạn chế sự hiểu biết; trẻ không chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống cũng như trong học tập; trẻ có xu hướng phát triển các hành vi không phù hợp để thể hiện nhu cầu như ăn vạ, cắn, đánh người khác… Việc can thiệp sớm cho trẻ chậm nói mang lại nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm cải thiện kỹ năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ, tăng cường kỹ năng xã hội và giúp trẻ hoà nhập cộng đồng tốt hơn. Giai đoạn từ 0-3 tuổi được xem là giai đoạn vàng để can thiệp sớm cho trẻ chậm nói, đặc biệt là từ 2-3 tuổi. Trong giai đoạn này, não bộ của trẻ đang phát triển mạnh mẽ, và trẻ có khả năng học hỏi nhanh chóng. Việc can thiệp sớm sẽ giúp trẻ đạt được những tiến bộ rõ rệt trong phát triển ngôn ngữ và các kỹ năng khác.
Bác sĩ Phan Thị hồng Hạnh khuyến cáo, trong giai đoạn can thiệp cho trẻ, cha mẹ cần thường xuyên nói chuyện với trẻ, đọc sách cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ tập trung vào bạn, vào đồ vật nào đó mà cha mẹ muốn nói đến. Nên nói đến những vật có trước mặt, hay những điều đang xảy ra. Không ép trẻ phải nói nhưng nên đưa ra lời khen khi trẻ tập nói, khích lệ khi trẻ thực hành và làm điều gì tốt để giúp trẻ mạnh dạn tập nói. Đồng thời, dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu. Không nên cho trẻ xem ti vi quá nhiều, cần kiểm soát thời gian và chương trình ti vi. Cha mẹ nên cùng xem với trẻ các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.
Khi nhận thấy trẻ có bất kỳ những dấu hiệu cho thấy trẻ có chứng chậm nói, các bậc phụ huynh trước tiên cũng đừng nên lo lắng quá, mà hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để các bác sĩ kiểm tra. Tuỳ theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ các bác sĩ sẽ có can thiệp phù hợp để cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ.
Bài: Kim Oanh; ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác