16/12/2015 12:00
Môi trường là yếu tố tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu như trước đây mọi người quan niệm rằng sống ở nông thôn có môi trường trong lành. Ngày nay vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn lại là một vấn đề khá phức tạp, phân bón, hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật, khói bụi và rác thải sinh hoạt được người dân thải loại ngày càng nhiều nhưng chưa được xử lý thích hợp là nguyên nhân góp phần làm ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí ... làm cho môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm.
Người dân bức xúc trước sự ô nhiễm
Theo phản ánh của người dân thôn Bình Minh 1, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, khu vực dân cư sống gần nghĩa trang xã đã trở thành bãi rác tự phát gần 1 năm nay, khiến cho đời sống của những hộ dân xung quanh ảnh hưởng nặng nề. Anh Trịnh Xuân Nam, sinh sống ngay cạnh khu nghĩa trang xã bức xúc: “Đã hơn 1 năm nay khu vực này trở thành bãi rác của tất cả các thôn phía trong, họ mang rác thải đến đây vứt đầy, khiến cho môi trường xung quanh luôn hôi hám bẩn thỉu, nhất là vào những lúc trời mưa nước đen chảy tràn ra đường, chảy vào sân những nhà phía dưới rất ô nhiễm. Chúng tôi đã phản ánh với chính quyền địa phương nhưng vẫn không được giải quyết, mọi người ở đây đều cảm thấy rất khổ sở khi phải sống cạnh bãi rác tự phát như thế này. Đề nghị chính quyền sớm có biện pháp xử lý sớm.”
Theo quan sát của chúng tôi thì ngay cạnh khu nghĩa địa của xã Bình Minh giao với con đường chính đi vào trụ sở UBND xã có một con đường mòn người dân đi làm rẫy, hai bên chất đầy rác thải sinh hoạt, xác súc vật, bốc mùi hôi thối. Cách đó chưa tới 100m nhà dân sinh sống hai bên. Mất vệ sinh, hôi hám, mất mỹ quan là đánh giá chung của nhiều người khi đi ngang qua đây.
Đến ủy ban nhân dân xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ để tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Chúng tôi được ông Nguyễn Hữu Đông - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: “Địa phương đang triển khái các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng tồn đọng rác, tạo thành bãi như phản ánh trên, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn”.
Trao đổi với chủ tịch UBND xã Bình Thuận
Đối với các vùng nông thôn nói chung đa số không còn quỹ đất 5% của xã, vì vậy nếu sử dụng đất để dành cho chôn lấp rác thải thì phải lấy của dân, nhưng nguồn tiền để đền bù cho dân, chính quyền xã không có khả năng. Mặt khác việc chôn lấp không đúng quy trình kỹ thuật sẽ làm ô nhiễm đất và nguồn nước nên không thực hiện được.
Vì vậy nhiều xã thuộc thị xã Buôn Hồ chọn phương án hợp đồng với công ty TNHH Vệ sinh Môi trường Buôn Hồ để họ thu gom và mang đi xử lý nơi khác. Tuy nhiên do ý thức của người dân về trách nhiệm của hộ gia đình đối với việc đóng góp phí vệ sinh còn khá hạn chế. Riêng đối với xã Bình Thuận mới triển khai thu phí vệ sinh được 15/23 thôn, buôn. Tỉ lệ hộ dân trong các thôn đó tham gia đóng phí vệ sinh chưa cao, chỉ thu được khoảng 60 đến 70%. Những thôn còn lại chưa có đường giao thông để xe thu gom đi vào. Hàng ngày lượng rác thải ở các thôn này vẫn thải ra. Năm 2015 xã phải nợ công ty 66 triệu đồng tiền phí vệ sinh, chưa thu được trong dân, ngân sách xã đã hết, công ty thu gom theo hợp đồng chuyến, thu gom không hết dẫn đến rác thải ứ đọng. Người dân chưa có ý thức trong việc phân loại rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, chậm trể đóng phí… cũng góp phần gây nên mất vệ sinh môi trường.
Ông Hồ Văn Phúc- Phó chủ tịch UBND xã Bình Thuận, phụ trách văn hóa xã cho biết: “Sắp tới chúng tôi đang triển khai mạnh mẽ Nghị Quyết 117/HDND, của Hội Đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, có quy định về thu phí vệ sinh đối với địa phương, tiến hành thu phí trong toàn bộ các hộ gia đình của tất cả thôn, buôn. Thực hiện hợp đồng tăng chuyến mỗi tháng từ 6 chuyến lên 8 chuyến, thu gom bằng xe công nông ở những khu vực xe lớn không vào được… nhằm giải quyết dứt điểm lượng rác còn ứ đọng trên địa bàn xã trước dịp tết nguyên đán sắp tới. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho toàn dân.
Một thực trạng đáng buồn là đa số người dân nông thôn sống ở khu vực cạnh sông, suối đều xả thải trực tiếp xuống sông, suối. Họ không biết rằng chính việc xả thải xuống suối là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, không khí… nếu như có dịch bệnh sẽ dễ dàng phát tán mầm bệnh từ chất thải được dòng nước cuốn trôi, và hậu quả chính là con người chúng ta gánh chịu.
Môi trường sống là một phần tài sản của mỗi người, chính vì thế người dân phải chủ động tích cực để giữ gìn và bảo vệ như chính bảo vệ sức khỏe, tài sản và tính mạng của mình và người thân. Cùng với việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương tuyên truyền bảo vệ môi trường, thì việc tích cực đóng góp để làm cho môi trường thêm sạch đẹp là một việc làm hết sức ý nghĩa. Hy vọng rằng mỗi người dân ở xã Bình thuận nói riêng và các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh nói chung cần hiểu đúng, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và luôn chủ động thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để bộ mặt nông thôn ngày càng sạch đẹp, trong lành, người dân ngày cành khỏe mạnh hơn.
Bài: Trần Lan - Ảnh: Võ Quỳnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác