04/04/2024 04:00
Nhằm tăng tỷ lệ bao phủ các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở nhóm trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh, đồng thời chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm có thể phòng được bằng vắc xin trong Chương trình TCMR, trong năm 2024, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với ngành Giáo dục mở rộng rà soát tiền sử tiêm chủng, tiến hành tiêm bù mũi vắc xin cho trẻ mầm non và tiểu học trên địa bàn.
Theo thống kê của Chương trình TCMR Quốc gia, trung bình hàng năm có 100.000 - 200.000 trẻ không được tiêm chủng đủ mũi các vắc xin. Tại tỉnh Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, năm 2023, có gần 16.000 trẻ đã được tiêm đủ liều, đạt tỷ lệ gần 55%; Hơn 25.000 trẻ được bảo vệ uốn ván sơ sinh, đạt hơn 86%; Hơn 11.000 trẻ được tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib, đạt 37%; Gần 20.000 trẻ được tiêm viêm não Nhật Bản mũi 3, đạt gần 68%; Hơn 20.000 trẻ 18 tháng được tiêm sởi – rubella, đạt hơn 67%; Gần 12.000 trẻ 18 tháng được tiêm DPT4, đạt hơn 40%; ... Do thiếu một số loại vắc xin nên tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình TCMR trên quy mô toàn tỉnh chưa đạt tiến độ đề ra, nhiều trẻ bỏ lỡ mũi tiêm. Bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và do thiếu một số vắc xin đã khiến tỷ lệ tiêm chủng nhiều vắc xin đạt mức thấp. Việc tích luỹ gia tăng số trẻ không có miễn dịch do chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi qua các năm là yếu tố quan trọng gây dịch nếu có sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Xác định trường học là môi trường giáo dục tập trung số lượng lớn trẻ em, rất dễ lây lan nếu có dịch bệnh xảy ra, nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ trẻ em, ngành Y tế xác định cần triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng khi nhập học và tiêm chủng đủ mũi vắc xin cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh. Để triển khai thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngành Y tế và Ngành Giáo dục trong kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng bù liều cho trẻ đạt hiệu quả và an toàn khi nhập học. Và thực hiện Kế hoạch số 980/KH-BYT-BGDĐT ngày 19/07/2023 của liên Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Kế hoạch phối hợp triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; Ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã dự thảo Kế hoạch triển khai và xin ý kiến đóng góp hoàn chỉnh kế hoạch của các Sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày 29/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về việc triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên nguyên tắc “Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong quá trình triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vắc xin cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành”. Ngày 27/2/2024, CDC cũng đã tham mưu Sở Y tế phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành giấy mời tổ chức Hội thảo phổ biến kế hoạch triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian dự kiến triển khai hội thảo vào tháng 4/2024. Sau hội thảo phổ biến kế hoạch triển khai tại tỉnh, Ngành Y tế và Ngành Giáo dục sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho giảng viên tuyến huyện về cách thức triển khai cụ thể tại địa phương. Với kế hoạch này, dự kiến 100% các trẻ nhập học đầu cấp (năm học 2024 – 2025) được rà soát tiền sử tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; với các loại vắc xin được triển khai gồm sởi, sởi - rubella (MR), vắc xin bại liệt (bOPV, IPV) và viêm não Nhật Bản.
|
Trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học cần được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin để bảo vệ sức khỏe. (ảnh: Quang Nhật)
|
Theo các chuyên gia dịch tễ, cơ sở giáo dục là môi trường tập trung số lượng lớn trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nguy cơ lây truyền dịch bệnh là không nhỏ. Vì vậy mục tiêu của Kế hoạch kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học đề ra có ít nhất 90% trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vắc xin sởi, sởi-rubella, vắc xin bại liệt và viêm não Nhật Bản được tiêm chủng bù liều để phòng bệnh. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 1.006 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông; trong đó có 329 trường mầm non, 378 trường tiểu học với 97.318 trẻ mầm non, 200.552 học sinh tiểu học. Xác định tiêm chủng vắc xin là một trong những biện pháp kinh tế và hiệu quả nhất để nâng cao miễn dịch cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, biến chứng hoặc tử vong do bệnh. Vì vậy, trong thời gian qua Ngành giáo dục đã đẩy mạnh hoạt động rà soát tiền sử tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình TCMR khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngay từ đầu năm học. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông vận động cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ về về tác dụng, hiệu quả của các vắc xin đối với trẻ em và sự cần thiết tiêm bù liều, an toàn tiêm chủng thông qua nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp thông qua các buổi họp phụ huynh, qua Zalo lớp… Bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: Bảo vệ sức khỏe của trẻ là một trong những mục tiêu ngành Giáo dục luôn chú trọng, do đó, khi ngành Y tế tổ chức rà soát mũi tiêm cho trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học, ngành Giáo dục tích cực phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, lập danh sách đối tượng, bố trí nhân lực tham gia hỗ trợ phục vụ nếu buổi tiêm chủng được tổ chức tại trường. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông, vận động cha mẹ/người chăm sóc đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo quy định. Nếu trẻ tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ thì đề nghị đơn vị tiêm chủng dịch vụ cung cấp minh chứng thông tin đề cha mẹ/người chăm sóc trẻ nộp lại nhà trường. Nếu sử dụng vắc xin trong Chương trình TCMR thì cha mẹ/người chăm sóc trẻ đăng ký với cơ sở giáo dục. Để hoạt động tiêm vắc xin cho trẻ đạt hiệu quả, ngành Giáo dục sẽ triển khai rà soát, tổng hợp danh sách trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học đang trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, giáo viên chủ nhiệm sẽ yêu cầu cha mẹ, người chăm sóc trẻ gửi hồ sơ tiêm chủng cá nhân của trẻ hoặc điền phiếu thu thập thông tin theo hướng dẫn của ngành Y tế. Vừa qua, Sở Giáo dục cũng đã nhận được thông tin từ Sở Y tế về việc phối hợp triển khai Hội thảo phổ biến kế hoạch triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Để chương trình đạt hiệu quả, Sở đã thông báo đến các trường học, chuẩn bị nhân lực tham gia hội thảo để nắm bắt quá trình thực hiện và sẽ tiến hành triển khai các hoạt động sau khi thống nhất thời gian triển khai với Sở Y tế. Sở Giáo dục cũng lên phương án chuẩn bị cơ sở vật chất nếu ngành y tế yêu cầu đặt địa điểm tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở giáo dục.
Tại Trường Mầm non Tân Hòa (xã Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), bên cạnh công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường còn phối hợp với Trạm Y tế xã tiến hành khảo sát đầy đủ các thông tin về tiêm chủng của trẻ, đảm bảo trẻ chưa tiêm, bỏ lỡ mũi tiêm sẽ được bổ sung đủ mũi. Với gần 300 trẻ đang theo học các lớp nhà trẻ, mầm, chồi, lá, trong giai đoạn thiếu vắc xin, tại Trường Mầm non Tân Hòa có không ít trẻ chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin. Do đó, để bảo vệ trẻ khỏi dịch bệnh, nhà trường tích cực triển khai các hoạt động vệ sinh trường lớp, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ sạch sẽ, hướng dẫn trẻ rửa tay, vệ sinh cá nhân, tăng cường các hoạt động vui chơi, vận động, đồng thời đảm bảo cung cấp các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hòa, cho biết: Vừa qua, trường nhận được thông tin về việc ngành Y tế sẽ triển khai rà soát tiền sử tiêm chủng, tiến hành tiêm bù mũi vắc xin cho trẻ mầm non và tiểu học. Để đảm bảo các trẻ đang theo học tại trường đều được tiêm đủ mũi vắc xin theo kế hoạch, trường đã chủ động thông báo cho các phụ huynh theo nhóm Zalo để cập nhật danh sách mũi tiêm của trẻ. Đồng thời tuyên truyền cho các phụ huynh biết về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin đủ liều cho trẻ. Hầu hết các phụ huynh đều tích cực phối hợp với nhà trường và mong muốn các trẻ đang thiếu mũi tiêm sẽ sớm được tiêm đầy đủ.
Có con đang theo học tại Trường Mầm non Tân Hòa, chị Trần Thị Mỹ (trú tại xã Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ: Bản thân có con đang học tại trường và cũng là đại diện của hội cha mẹ học sinh, tôi được biết trong trường hiện có không ít trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ. Do đó, khi nhà trường tổ chức rà soát thông tin tiêm chủng của trẻ, tôi và các phụ huynh đều tích cực phối hợp tham gia, đồng thời vận động những phụ huynh có con chưa tiêm đủ mũi vắc xin nên đưa trẻ đi tiêm để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Tôi thấy việc tổ chức rà soát các mũi tiêm và tiến hành tiêm vắc xin cho các trẻ còn thiếu là việc làm hết sức cần thiết, qua đó tăng cường hệ miễn dịch cộng đồng giúp bảo vệ trẻ tránh được các dịch bệnh nguy hiểm.
|
Trường Mầm non Tân Hòa tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ đang theo học tại trường. (ảnh: Quang Nhật)
|
Hoạt động trong Kế hoạch kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học do liên bộ Y tế cùng Giáo dục và Đạo tạo ban hành. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam rà soát tiêm chủng, tiêm bù liều cho nhóm trẻ này trên toàn quốc. Chương trình TCMR quốc gia cho biết việc triển khai tiêm tại trường học nhằm tiêm vét, bù mũi cho các cháu bị hoãn hoặc bỏ lỡ các mũi tiêm chủng đầu đời. Điều này giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch, chủ động phòng dịch, tiết kiệm nguồn nhân lực so với triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt.
Tiêm chủng vắc xin là một trong những biện pháp kinh tế và hiệu quả nhất để nâng cao miễn dịch cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, biến chứng hoặc tử vong do bệnh. Tiêm chủng bảo vệ trẻ em khỏi bệnh tật, từ đó giúp trẻ không phải nghỉ học, nhờ vậy cải thiện kết quả học tập. Khi trẻ được bảo vệ khỏi bệnh tật, ba mẹ không cần phải nghỉ làm để chăm sóc con bị bệnh, không ảnh hưởng đến năng suất lao động. Đặc biệt, các gia đình cũng ít có nguy cơ phải chịu các nỗi đau tinh thần trước di chứng, mất mát và các chi phí cao khi điều trị và chăm sóc trẻ bị bệnh. Do đó, các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin để bảo vệ sức khỏe của trẻ cũng như cộng đồng./.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác