14/04/2024 04:35
Lao là 1 trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Bệnh lây qua đường hô hấp, do đó, nếu trong gia đình có người mắc bệnh này, mọi người trong gia đình cần phải học cách sống chung với người bị bệnh lao để đề phòng nguy cơ lây nhiễm.
Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây nên. Bệnh có thể gặp ở rất nhiều bộ phận trong cơ thể. Trong đó thể bệnh lao phổi phổ biến nhất chiếm tới 80 đến 85%, đây là nguồn lây chính cho mọi người xung quanh. Lao phổi lây truyền qua đường hô hấp. Cơ chế do hít phải các hạt khí dung lơ lửng trong không khí có chứa vi khuẩn lao. Các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi giai đoạn tiến triển ho khạc, hắt hơi. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Châu Đương – Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, vi khuẩn lao sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ diễn biến theo 2 giai đoạn bệnh gồm lao nhiễm và lao bệnh. Ở giai đoạn lao nhiễm, vi khuẩn sẽ ở trong cơ thể nhưng ở trạng thái bất hoạt, đợi cho đến khi miễn dịch cơ thể bị suy yếu thì mới bắt đầu tấn công và gây bệnh. Khi vi khuẩn lao sinh sôi với số lượng lớn sẽ tạo nên một số triệu chứng như thường xuyên ho, khó thở, đây chính là giai đoạn lao bệnh. Khi ở giai đoạn lao bệnh, người bị bệnh lao có khả năng lây bệnh cho những người xung quanh mình. Trong các đối tượng, dễ nhiễm lao nhất là trẻ em, người lớn tuổi và người có yếu tố suy giảm miễn dịch như mắc HIV/AIDS. Do đó, nếu gia đình có người ở giai đoạn lao bệnh thì các thành viên trong gia đình nên biết cách sống chung với người bệnh lao phổi để hạn chế tối đa nguy cơ bị nhiễm bệnh.
|
Cán bộ trạm y tế ea Yiêng tuyên truyền bệnh nhân lao nên thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm. (ảnh: Quang Nhật)
|
Tiến sĩ, bác sĩ Châu Đương cho biết, nếu bệnh nhân mắc bệnh lao được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tuân thủ phác đồ thì thời gian lây nhiễm cho những người xung quanh sẽ rút ngắn lại. Theo nghiên cứu, nếu bệnh nhân bị lao phổi được phát hiện, quản lý điều trị ngay thì trong vòng 2 tuần vi khuẩn lao sẽ bất hoạt, không còn khả năng lây cho những người xung quanh. Do đó, trong gia đình có người nghi mắc bệnh lao, cần sớm đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu không quan tâm, để người bệnh trong gia đình không được phát hiện và điều trị thì nguy cơ xảy ra lây nhiễm rất cao. Lúc này, hầu hết các thành viên trong gia đình sẽ mắc bệnh. Khi đã phát hiện mắc lao, trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị, bệnh nhân lao cần hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh. Để phòng tránh và không hít phải không khí có chứa giọt bắn của người bị lao phổi cần đeo khẩu trang. Khi tiếp xúc với người bị lao, nhất là tiếp xúc gần thì cần đeo khẩu trang cho người bệnh và cả cho bản thân. Quá trình ăn uống, sinh hoạt nên hạn chế dùng chung với người nhà. Không để người bị lao khạc nhổ bừa bãi vì vì lúc này các vi khuẩn lao sẽ có cơ hội để tiếp xúc với cơ thể mới và lây bệnh.
Thấy bản thân ho nhiều, sụt cân nhanh, ông T.V.H (trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đi khám thì phát hiện mắc bệnh lao. Ông không biết vì sao mình mắc bệnh, do đó, khi nhận kết quả, ông rất bất ngờ. Vì trong gia đình sống đông người, lại có trẻ em, nên sau khi tiếp nhận điều trị và nhận thuốc về nhà uống, ông đều ý thức thực hiện các biện pháp để không lây bệnh cho người nhà. Ông T.V.H, chia sẻ: Tôi biết bệnh lao rất nguy hiểm và dễ lây lan cho người xung quanh. Vì thế, khi phát hiện mắc bệnh, tôi đều yêu cầu mọi người trong gia đình đi tầm soát lao tiềm ẩn. Sau đó mọi sinh hoạt của tôi đều tách biệt với mọi người, tôi ăn riêng, ngủ riêng, vệ sinh cá nhân cũng riêng. Khi buộc phải tiếp xúc với mọi người tôi đều đeo khẩu trang. Các bác sĩ cũng tư vấn cho tôi các biện pháp phòng tránh lây bệnh cho các thành viên, đồng thời dặn dò tôi phải uống thuốc đều đặn, tuân thủ phác đồ để bệnh nhanh khỏi, phòng nguy cơ lao kháng thuốc.
|
Người bị bệnh lao nên tuân thủ đồng thời các biện pháp phòng tránh lây bệnh và thực hiện uống thuốc đều đặn. (ảnh: Quang Nhật)
|
Do tỷ lệ lưu hành cao cũng như khả năng kháng thuốc của vi khuẩn lao. Vì thế, mỗi người dân cần có kiến thức để bảo vệ mình và người thân để phòng chống lây nhiễm bệnh lao phổi ra cộng đồng xung quanh. Cách sống chung với người bị bệnh lao đúng cách không chỉ giúp tránh lây nhiễm bệnh mà còn giúp tăng cường sức khỏe và bảo vệ miễn dịch, góp phần sớm loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác