17/04/2024 04:34
Đối với những trẻ bị dị tật vận động, mơ ước lớn nhất của trẻ cũng như phụ huynh là trẻ được đi lại, vận động như những trẻ bình thường. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều trẻ bị dị tật chưa được phẫu thuật hoặc tiến hành điều hành điều trị. Thấu hiểu niềm mong mỏi của trẻ, vừa qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk) phối hợp với Tổ chức Children Action (Thụy Sỹ) đã tổ chức Chương trình khám sàng lọc miễn phí dị tật vận động cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Krông Bông và Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Thành phố Buôn Ma Thuột). Điều này đã mang đến niềm vui, phấn khởi cho rất nhiều trẻ cũng như các bậc phụ huynh có con bị dị tật.
Nghe xã thông báo có đoàn bác sĩ nước ngoài về khám và chữa trị từ thiện cho trẻ bị dị tật vận động, gia đình chị Phan Thị Mai (trú tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) khấp khởi vui mừng vì con mình có cơ hội được khám và điều trị. Để con kịp giờ khám, anh chị đã gói ghém đồ đạc đưa con từ huyện lên thành phố, thuê nhà nghỉ ở lại chỉ mong nhanh đến sáng để đưa con vào khám. Sinh năm 2018, đến nay vừa tròn 6 tuổi nhưng con gái của chị vẫn chưa thể tự đi lại được, mọi sinh hoạt, vận động đều phải do ba mẹ giúp bé thực hiện. Nhìn con di chuyển từng bước trên đôi chân yếu ớt, nước mắt chị Mai đã rơi không biết bao nhiêu lần. Chị Mai tâm sự: Sau khi sinh ra, các bác sĩ cho biết bé bị dị tật vận động. Kết quả khám cho thấy bé bị co cứng chân, khớp háng, bàn chân bẹt. Lúc phát hiện con bị bệnh, tôi thật sự rất buồn. 6 năm qua, tôi cũng đã nhiều lần đưa bé đi khám nhiều nơi để mong giúp con tìm lại sự vận động như bao đứa trẻ bình thường. Bé từng đi Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, lần gần đây nhất là bé tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Đắk Lắk. Ở nhà, bé được đóng 1 đôi giày nẹp và gia đình thay nhau tập cho bé đi, tới nay bé cũng đã tập đi trên giày nẹp được 3 năm nhưng vẫn chưa thể tự mình đi lại. Hôm nay nghe tin có đoàn bác sĩ nước ngoài về khám và chữa trị, tôi hi vọng lần này sẽ thực hiện được ước mơ giúp con tự đi lại trên chính đôi chân của mình để được chạy nhảy, chơi đùa cùng các bạn.
|
Trẻ được đăng ký khám sàng lọc dị tật vận động tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Hằng ngày, nhìn con của mình ngồi một chỗ chơi đùa với em, muốn đi lại, vui chơi cùng em nhưng không được, anh Kpă Y Vân (trú tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) rất đau lòng. Con trai anh năm nay đã 8 tuổi, vì sinh non nên từ nhỏ, bé đã bị co rút cơ 2 chân khiến bé không đi lại được. Do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên con anh chưa có cơ hội được điều trị. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, trường hợp bé anh được chỉ định phẫu thuật tại TP. Hồ Chí Minh khiến anh rất vui mừng vì cuối cùng cơ hội để bé tìm lại sự vận động đã sắp được thực hiện. “Tôi thật sự rất xúc động, không nghĩ rằng có một ngày con mình gặp được may mắn như thế. Dẫu biết để con đi lại được sẽ còn 1 chặng đường dài, nhưng việc được khám, được phẫu thuật miễn phí đó như là một phép màu đối với gia đình chúng tôi. Thật sự tôi rất biết ơn chương trình và các mạnh thường quân”, anh Kpă Y Vân chia sẻ.
Không được may mắn như những đứa trẻ bình thường, trẻ em khuyết tật luôn tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Chính vì thế, việc tổ chức hoạt động sàng lọc để phát hiện, điều trị cho trẻ em đã giúp các em hòa nhập với cuộc sống và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Với sứ mệnh cao cả của mình, trong thời gian qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã phối hợp với các cơ sở y tế và tổ chức y tế thế giới tổ chức khám sàng lọc và hỗ trợ phẫu thuật cho hàng trăm trẻ em bị dị tật vận động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ông Lâm Đình Nhiên – Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Đây là năm thứ 6 Quỹ Bảo trợ trẻ em tổ chức chương trình khám sàng lọc miễn phí dị tật vận động cho trẻ để giúp đỡ cho các trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện được khám và phẫu thuật, điều trị. Các trẻ bị dị tật vận động sẽ được khám sàng lọc, tư vấn, sau đó sẽ được các bác sĩ của Tổ chức Children Action khám, chỉ định hướng điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Đối với các trường hợp được chỉ định phẫu thuật sẽ được Quỹ và Tổ chức hỗ trợ chi phí 100%, ngoài ra sẽ hỗ trợ tiền tàu xe đi lại cho trẻ và gia đình. “Trong đợt khám lần này có khoảng 200 trẻ dị tật vận động được khám, sàng lọc. Trong đó chủ yếu là các trẻ ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, chưa được tiếp cận điều trị. Vì thế, việc khám miễn phí và hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ mang ý nghĩa và hành trình nhân văn sâu sắc, góp phần chia sẻ khó khăn, tăng niềm tin cho trẻ và gia đình vươn lên trong cuộc sống, thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong triển khai thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước”, ông Nhiên chia sẻ thêm.
|
Trẻ được các bác sĩ khám dị tật vận động. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Theo Chương trình khám sàng lọc, trẻ em sau khi khám có chỉ định phẫu thuật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật, được hỗ trợ tiền đi lại 150.000 đồng/em. Đối với các trường hợp trẻ em có chỉ định điều trị và phẫu thuật được hỗ trợ phẫu thuật miễn phí. Ban tổ chức chương trình đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hỗ trợ quà và cơm trưa cho trẻ em đến khám. Sau khi được sàng lọc, lựa chọn, trẻ sẽ được phẫu thuật, điều trị, chỉnh hình tại các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài miễn phí tiền phẫu thuật, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk cũng phối hợp hỗ trợ tiền xe, tiền ăn cho các cháu trong thời gian chữa trị, phẫu thuật.
Chương trình khám sàng lọc miễn phí dị tật vận động cho trẻ là hoạt động có ý nghĩa nhân văn, góp phần giúp các trẻ em bất hạnh, thiếu may mắn có cơ hội phục hồi chức năng, vươn lên hòa nhập cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn. Để tránh những dị tật vận động ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo lúc mang thai, các bà mẹ nên đi siêu âm sàng lọc bất thường bẩm sinh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Quá trình nuôi con, cần quan sát, để ý và nếu phát hiện con có những biểu hiện bất thường thì nên đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên môn để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác