18/04/2024 04:10
Hiện nay, công tác phòng chống bệnh Dại trên người và động vật luôn được chính quyền xã Ea Phê, huyện Krông Pắc quan tâm và đẩy mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Lanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê: xác định kiểm soát dịch bệnh Dại có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào việc quản lý tốt được đàn chó, mèo trên địa bàn. Do đó, để chủ động phòng, chống bệnh Dại ở đàn chó, mèo, Uỷ ban nhân dân xã Ea Phê đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các thôn, buôn và ban thú y xã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật trong đó, chú trọng việc tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo; quản lý đàn chó, mèo nuôi; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đăng ký nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; xử lý chó thả rông theo quy định. Tổ chức rà soát, thống kê, lập sổ theo dõi, quản lý số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo, nhất là chó, mèo nhập về địa phương, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống bệnh Dại theo quy định. Hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh Dại; không để chó, mèo thả rông, không làm ảnh hưởng tới những người xung quanh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân xã cũng tăng cường công tác giám sát bệnh Dại bằng cách khi cơ sở báo có những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại trên động, xã huy động ban thú y lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm thú y có thẩm quyền để xét nghiệm bệnh Dại. Thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về các hộ nuôi chó, số chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại tại thôn, buôn. Trưởng phó các thôn, buôn không được chủ quan, lơ là trong công tác triển khai thực hiện phòng, chống bệnh Dại, để xảy ra hiện tượng chó, mèo chưa được tiêm vắc xin Dại cắn người tử vong thì trưởng/ phó thôn, buôn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
|
UBND xã Ea Phê phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai truyền thông phòng chống bệnh dại cho người dân trên địa bàn xã.
|
“Địa bàn xã Ea Phê có 26 thôn, buôn với hơn 26.000 ngàn dân. Dân số đông chủ yếu làm nông nghiệp nên người dân có thói quen nuôi chó để trông nhà và nông sản. Năm 2024 để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo, UBND xã đã triển khai tổng kiểm kê toàn bộ số chó mèo được nuôi trên địa bàn để có phương án cụ thể. Thú y xã đi xuống trực tiếp đến các hộ nuôi chó mèo để tiêm vắc xin cho chó, mèo đồng thời yêu cầu các hộ ký cam kết nuôi cho mèo phải nhốt xích, thả ra phải đeo rọ mõm… khi phát hiện trường hợp chó nghi Dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân cần báo ngay với chính quyền địa phương; nếu bị chó, mèo cắn cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời…bà Nguyễn Thị Lanh cho biết thêm.
Theo ông Bùi Văn Việt, Trưởng Trạm Y tế xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp như hiện nay, đối với lĩnh vực y tế, trạm y tế xã đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh Dại cho chó, mèo thông qua loa phát thanh của xã, đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn và người có uy tín trong cộng đồng. Tuyên truyền cho người dân thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh Dại khi bị động vật, đặc biệt là bị chó, mèo cắn trên đài phát thanh xã. Khuyến cáo người dân trên địa bàn xã nuôi chó phải nhốt hoặc xích không được thả rông, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Song song đó, để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn xã trong thời gian tới trạm y tế xã sẽ nâng cao năng lực điều tra, giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch; phối hợp với ban thú y xã nắm bắt tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại của đàn chó, mèo trên địa bàn. Phối hợp điều tra, đôn đốc nhân dân cùng tham gia giám sát chủ động tích cực phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ mắc Dại trên người và báo cáo kịp thời về trạm Y tế theo đúng quy định./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác