23/04/2024 08:34
Thời tiết nắng nóng và chuyển mùa là thời điểm thích hợp cho vi rút gây bệnh phát triển và lây lan. Hiện nay, tại Đắk Lắk, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng, như: bệnh thủy đậu, tay chân miệng, bệnh dại…. Trước tình hình đó, ngành y tế Đắk Lắk đã và đang chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, bên cạnh công tác giám sát, xử lý các ổ dịch thì công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cũng được đẩy mạnh.
Trung tuần tháng 4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức truyền thông trực tiếp phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các trường Trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn huyện Lăk.
Tại xã Đắk Liêng, trong giờ ngoại khóa, các em học sinh trường THCS Võ Thị Sáu đã được nghe các cán bộ y tế, thầy cô tuyên truyền về phòng chống bệnh dại, các biện pháp dự phòng, cách xử lý khi bị động vật nghi dại cắn, tiêm văc xin để phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn…; Không tự ý chữa bệnh bằng cách đắp thuốc lá hoặc những phương pháp chữa bệnh mà chưa được Bộ Y tế công nhận; Hướng dẫn các quy định về nuôi và quản lý chó, mèo tại cộng đồng… Những thông tin thực tế đã giúp các em có thêm kiến thức bổ ích trong cuộc sống, biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng bệnh cho gia đình và những người xung quanh.
|
Cô Trần Thị Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu phát biểu tại buổi truyền thông trực tiếp. (ảnh: Quang Nhật)
|
Còn tại trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Liên Sơn, bên cạnh việc học văn hóa, các giờ học ngoại khóa, chia sẻ thông tin phòng chống dịch bệnh cũng được nhà trường chú trọng. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong học đường, ngay từ đầu năm Ban giám hiệu nhà trường đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng để tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho học sinh. Cô Đỗ Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, cho biết: Nhà trường luôn có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục về các dịch bệnh cho học sinh theo định kỳ, đặc biệt trong các đợt cao điểm trọng điểm của dịch bệnh như hiện nay, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự việc xảy ra. Bên cạnh đó bộ phận y tế của nhà trường phối hợp chặt chẽ với UBND huyện và TTYT huyện nhằm kiểm soát tốt nhất dịch bệnh trong học đường.
|
Buổi truyền thông trực tiếp tại trường THCS Nguyễn Trãi. (ảnh: Quang Nhật)
|
Buổi truyền thông trực tiếp phòng chống bệnh truyền nhiễm còn được lồng ghép trong giờ ngoại khóa, giúp cung cấp cho các em học sinh các thông tin về tình hình bệnh dại hiện nay trên cả nước và tại tỉnh Đắk Lắk, những nguy cơ về bệnh dại, cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn, các biện pháp phòng bệnh dại, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng dại ngay nếu bị động vật nghi dại cắn; Hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý chó, như: không thả rông chó, đeo rọ mõm, xích chó, tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó…Bên cạnh đó, các em cũng được tuyên truyền về phòng chống bệnh thủy đậu, là bệnh lây truyền do vi rút, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng bệnh. Qua đó các em đã hiểu thêm về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cũng như một số biện pháp phòng bệnh, giúp các em có thêm kĩ năng cần thiết để bảo vệ sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng học tập. Em Nguyễn Hoàng Bảo Chi - học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk bộc bạch: hoạt động ngày hôm nay đối với chúng em rất bổ ích, giúp cho chúng em hiểu hơn về sự nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm đặc biệt là bệnh dại, qua đây chúng em sẽ biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh trong mùa nắng nóng này, để đảm bảo cho chúng em có một kỳ học tập thật tốt và hiệu quả.
Trong buổi truyền thông trực tiếp, báo cáo viên cũng đã giải đáp một số thắc mắc về bệnh dại và một số bệnh truyền nhiễm cho học sinh. Với những thông tin được tiếp thu, các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Em Huỳnh Văn Dũng - học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk chia sẻ: Buổi truyền thông trực tiếp hôm nay giúp em có thêm nhiều kiến thức bổ ích về các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh dại, thủy đậu… Từ đó, em biết cách phòng chống, để nâng cao sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.
Truyền thông giáo dục sức khỏe là một trong những biện pháp dự phòng có hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hi vọng rằng, trong thời gian tới hoạt động này sẽ tiếp tục được nhân rộng và thực hiện ở nhiều đơn vị, địa phương, để từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng sức khỏe./.
Vũ Phượng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác