25/04/2024 05:47
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, thành lập vào năm 1974 nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin công bằng để bảo vệ, cứu sống trẻ em trên toàn cầu. Tuần lễ tiêm chủng thế giới hàng năm là sáng kiến do WHO phát động, diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 4 hàng năm nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức hành động cần thiết để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, giúp trẻ sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.
Tại Việt Nam, Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Chương trình TCMR đã góp phần quan trọng trong đạt thành quả thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000. Việt Nam không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại và tiếp tục bảo vệ thành công thành quả Thanh toán bệnh bại liệt kể từ năm 2000. Liên tục từ năm 1997 đến nay Việt Nam không có ca bệnh bại liệt. Chương trình TCMR còn góp phần loại trừ uốn ván sơ sinh (UVSS) vào năm 2005. Trong giai đoạn 1996 - 2000, tỷ lệ mắc UVSS trung bình năm của cả nước là 0,13/1.000 trẻ đẻ sống. Từ năm 2005, Việt Nam đã được công nhận loại trừ bệnh UVSS. Việc triển khai tiêm tiêm uốn ván cho bà mẹ mang thai trong nhiều năm trước đó đã góp phần quan trọng để đạt được kết quả này. Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà,… cũng giảm rõ rệt nhờ vào vắc xin trong Chương trình TCMR.
|
Các bậc phụ huynh hãy quan tâm đưa trẻ đến trạm y tế địa phương để được khám, tư vấn và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh miễn phí cho trẻ em. (ảnh: Quang Nhật)
|
Từ năm 2020-2023, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trong Chương trình TCMR chưa đạt theo kế hoạch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và khó khăn trong cung ứng vắc xin. Nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin. Tại tỉnh Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, năm 2023, có gần 16.000 trẻ đã được tiêm đủ liều, đạt tỷ lệ gần 55%; Hơn 25.000 trẻ được bảo vệ uốn ván sơ sinh, đạt hơn 86%; Hơn 11.000 trẻ được tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib, đạt 37%; Gần 20.000 trẻ được tiêm viêm não Nhật Bản mũi 3, đạt gần 68%; Hơn 20.000 trẻ 18 tháng được tiêm sởi – rubella, đạt hơn 67%; Gần 12.000 trẻ 18 tháng được tiêm DPT4, đạt hơn 40%; ... Do thiếu một số loại vắc xin nên tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình TCMR trên quy mô toàn tỉnh chưa đạt tiến độ đề ra, nhiều trẻ bỏ lỡ mũi tiêm. Hiện nay, để đảm bảo độ bao phủ của vắc xin, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học với 3 mục tiêu cụ thể gồm: 100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình TCMR khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại các địa phương triển khai; Ít nhất 90% trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), vắc xin bại liệt (bOPV, IPV) và viêm não Nhật Bản (VNNB) được tiêm chủng bù liều để phòng bệnh; Đồng thời đảm bảo an toàn tiêm chủng. Đối tượng cần được kiểm tra tiền sử tiêm chủng là tất cả trẻ em nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1). Đối tượng cần tiêm chủng bù liều bao gồm trẻ em được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin sởi, sởi – rubella (MR), bại biệt (bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản sẽ được tiêm chủng bù các vắc xin này.
Theo bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tiêm chủng mở rộng là dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Vắc xin dùng trong dự án tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn miễn phí, an toàn và hiệu quả để phòng bệnh cho trẻ em. Tiêm vắc xin phòng bệnh có vai trò, lợi ích quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ. Nếu không tuân thủ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin trong chương trình TCMR quốc gia thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh như lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, rubella, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ, viêm não Nhật Bản B… Các bệnh trên hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu mắc bệnh trẻ sẽ có nguy cơ tiến triển nặng, có thể dẫn đến tử vong, biến chứng hoặc di chứng gây ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ, ngoài ra còn có thể lây lan thành bệnh dịch nguy hiểm cho cộng đồng. Vì vây, việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch không chỉ có tác dụng phòng bệnh đối với trẻ mà còn mang lại những lợi ích to lớn đối với xã hội và là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc mà Đảng và Nhà nước dành cho trẻ.
|
Tiêm vắc xin phòng bệnh có vai trò, lợi ích quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ. (ảnh: Quang Nhật)
|
Để trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các bậc phụ huynh cần ghi nhớ lịch tiêm chủng cho trẻ như sau:
- Trẻ sơ sinh: Phòng bệnh Viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh; Tiêm vắc xin phòng bệnh Lao (BCG).
-Trẻ đủ 2 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 1; Uống vắc xin phòng bệnh Bại liệt lần 1.
- Trẻ 3 tháng tuổi: tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 2; uống vắc xin phòng bệnh Bại liệt lần 2.
- Trẻ 4 tháng tuổi: tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 3; Uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 3.
- Trẻ từ 5 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi: tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bại liệt IPV.
- Trẻ đủ 9 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi lần 1.
- Trẻ 18 tháng tuổi: Tiêm vắc xin Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván mũi 4. Tiêm vắc xin Sởi - Rubella (MR).
- Từ 12 tháng tuổi: Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm.
- Đối với phụ nữ có thai, được tiêm vắc xin uốn ván miễn phí.
Để phòng tránh các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, các bậc cha mẹ, phụ huynh hãy quan tâm đưa trẻ đến trạm y tế địa phương để được khám, tư vấn và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh miễn phí cho trẻ em. Mọi trẻ em đều có quyền được thụ hưởng các loại vắc xin trong chương trình TCMR, do vậy trách nhiệm của gia đình, các bậc cha mẹ phải đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch và đưa trẻ đi tiêm bù nếu trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác