01/05/2024 10:33
Y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bệnh lao. Hiểu rõ vai trò của mình, thời gian qua, tuyến y tế cơ sở tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực triển khai các hoạt động, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh lao.
Toàn tỉnh hiện có 15 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố với 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Về nhân lực, toàn tỉnh có gần 6.700 cán bộ y tế. Trong đó có gần 1.400 bác sĩ, hơn 500 dược sĩ, gần 2.000 điều dưỡng; gần 500 hộ sinh, 455 kỹ thuật viên y, 126 nhân viên Y tế công cộng, hơn 600 y sĩ và gần 1.200 nhân viên khác. Tính đến hết năm 2023, 93% trạm y tế có bác sỹ phục vụ. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Châu Đương – Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, y tế cơ sở là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất. Một mạng lưới y tế cơ sở đủ năng lực, có trách nhiệm, tâm huyết sẽ là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao. Hiện nay, mạng lưới phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được mở rộng từ tuyến tỉnh đến các huyện, xã và thôn, buôn. Tuyến tỉnh có Bệnh viện Phổi, tuyến huyện có các trung tâm y tế, các trung tâm đều thành lập tổ phòng, chống lao. Xuống tới trạm y tế xã đều có cán bộ chuyên trách phụ trách bệnh lao, đến các thôn, buôn đều có cộng tác viên y tế. Tất cả tạo thành mạng lưới gắn kết hoạt động xuyên suốt trong công tác phòng, chống bệnh lao. Cũng theo bác sĩ Châu Đương, Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng có số ca nhiễm lao đang phải điều trị, theo dõi cao, số mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lớn, nên việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng. Do đó, thời gian qua, hoạt động phòng, chống bệnh lao được triển khai với nhiều chiến lược, trong đó chú trọng đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. “Y tế cơ sở là những người nắm rõ nhất tại địa bàn có bao nhiều người mắc bệnh lao, có bao nhiêu người có khả năng mắc lao tiềm ẩn. Từ đó, khi triển khai khám sàng lọc và yêu cầu thống kê danh sách các đối tượng nguy cơ để tầm soát, lực lượng y tế cơ sở sẽ cung cấp đầy đủ không lo bỏ sót đối tượng. Đồng thời, mạng lưới y tế cơ sở cũng là những người giám sát chặt chẽ nhất việc tuân thủ điều trị của các bệnh nhân, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn”, bác sĩ Châu Đương cho biết.
|
Tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong cộng đồng. (ảnh: Quang Nhật)
|
Tại huyện Krông Pắc, công tác phòng chống bệnh lao luôn được chú trọng thực hiện. Hiện huyện có 1 trung tâm y tế, 16 trạm y tế tuyến xã, thị trấn và có khoảng 288 cán bộ y tế thôn, buôn. Theo bác sĩ Nguyễn Quý - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật/HIV, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc, để hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn đạt hiệu quả, thời gian qua, trung tâm y tế huyện phối hợp cùng Bệnh viện Phổi tỉnh tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc bệnh nhân lao trên địa bàn. Qua đó phát hiện và đưa vào quản lý điều trị gần 40 bệnh nhân lao. Xác định y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh, huyện đã thành lập 1 tổ phòng, chống lao tại trung tâm y tế và 16 cán bộ chuyên trách phòng, chống lao tuyến xã. “Dưới sự chỉ đạo của ban giám đốc trung tâm y tế, chương trình phòng chống lao tại huyện luôn được triển khai hoạt động từ trung tâm tới tuyến xã và các thôn, buôn. Đặc biệt, huyện có mạng lưới y tế thôn, buôn hoạt động rất tích cực và hiệu quả trong công tác phòng, chống lao. Họ không chỉ động viên bệnh nhân cố gắng điều trị mà còn giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn để bệnh nhân yên tâm điều trị. Qua đó giúp cho công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn đạt được nhiều hiệu quả”, bác sĩ Quý chia sẻ thêm.
|
Việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng. (ảnh: Quang Nhật)
|
Tại tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, tổng số bệnh nhân lao các thể gồm 1.050 bệnh nhân, số lượng bệnh nhân mắc mới và tái phát, tái nhiễm gia tăng nhiều. Hằng năm ước tính tại Việt Nam có khoảng 176 người/100.000 dân mắc bệnh lao. Với con số này, hằng năm tại Đắk Lắk sẽ có trên 3500 trường hợp mắc bệnh lao. Tuy nhiên, mỗi năm Chương trình phòng chống lao của tỉnh chỉ phát hiện trên dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh. Điều đó cho thấy số lượng bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và đưa vào quản lý, điều trị còn rất nhiều tạo ra nguồn lây lớn rất nguy hiểm. Do đó, việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng. Bởi y tế cơ sở là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất, đủ năng lực, có trách nhiệm, tâm huyết luôn là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác