09/05/2024 08:14
Trên phạm vi toàn cầu, các bệnh không lây nhiễm (BKLN) hiện đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng, gây ra số trường hợp tử vong lớn hơn tổng số tử vong do tất cả các loại bệnh khác cộng lại. Từ năm 2011, Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Tuyên bố chính trị khẳng định các BKLN chủ yếu gồm tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn (COPD) là một thách thức lớn của thế kỉ XXI, làm suy giảm sự phát triển kinh tế, đe dọa tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới. Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên cần nỗ lực xây dựng và thực thi kế hoạch quốc gia để dự phòng và kiểm soát các BKLN.
Có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm trong đó có hút thuốc lá và dinh dưỡng không hợp lý như dung nạp nhiều đồ uống có đường, ăn thừa muối…Cùng với thuốc lá, sử dụng đồ uống có đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa… Đáng chú ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, đồng thời Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040 trong khi tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã gia tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người/năm vào năm 2002 lên mức 50,7 lít/người/năm vào năm 2018.
|
Tiêu thụ quá nhiều và thường xuyên đồ uống có đường sẽ gây tác hại đến sức khỏe. (ảnh: Đình Thi)
|
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường (ĐUCĐ) là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, bao gồm: nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn, cà phê pha sẵn, đồ uống sữa có pha chế hương liệu.
Đường tự do gồm đường đơn (glucose, fructose) và đường đôi (sucrose hoặc đường ăn): được thêm vào thực phẩm và đồ uống bởi nhà sản xuất, người chế biến hoặc người tiêu dùng; Đường tự nhiên có trong siro, mật ong, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc.
Tiêu thụ quá nhiều và thường xuyên đồ uống có đường sẽ gây tác hại đến sức khỏe: Làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì; Nguy cơ đái tháo đường tuýp 2; Nguy cơ hội chứng rối lọan chuyển hóa, tim mạch; Ảnh hưởng tới hệ xương răng; Ảnh hưởng hấp thu các chất dinh dưỡng như kali, canxi, phốt pho, vitamin; Ảnh hưởng đến bệnh lí thận, tiết niệu; Ảnh hưởng đến bệnh lí đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa; Tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và sa sút trí tuệ. Tại Hội thảo cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là chính sách thuế ngày 3/5/2024 tại thành phố Hồ Chí Minh, PGS,TS, BS Trương Tuyết Mai- Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, trên thị trường hiện nay rất đa dạng các loại đồ uống có đường, không chỉ ở các loại nước ngọt, đồ uống có đường dễ thấy như; nước ngọt có ga, trà sữa…, mà đường còn có ở các loại bột ngũ cốc, khi pha chế vẫn có lượng đường nhất định. Một loại nước ngọt thông thường chứa khoảng 35g đường với rất ít hàm lượng dinh dưỡng khác. Chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều thường xuyên đồ uống có đường, do đó dễ dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe.
Đường dạng lỏng trong đồ uống có đường gây hại cho sức khỏe hơn đường dạng rắn trong các thực phẩm khác. ĐUCĐ ở dạng lỏng nên được dung nạp một cách nhanh chóng khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách mà cơ thể phản ứng với lượng calo từ thức ăn dạng đặc. Vì vậy, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng vào một cách không kiểm soát dẫn tới dư thừa năng lượng. Đa số ĐUCĐ được thêm đường fructose- gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể và gia tăng tình trạng thừa cân béo phì. ĐUCĐ bất kể là được tạo ngọt bằng đường hay chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) đều kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no.
ĐUCĐ- Một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì. Việc tăng tiêu thụ ĐUCĐ dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng gây thừa cân, béo phì nhưng lại thiếu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể do năng lượng từ ĐUCĐ là năng lượng rỗng. Người lớn uống 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng 1 năm có thể tăng tới 6,75 kg cân nặng (nếu giữ nguyên mức dung nạp năng lượng từ các nguồn thực phẩm khác). Trẻ em uống nhiều ĐUCĐ thường xuyên có nguy cơ bị béo phì > 2,57 lần so với những trẻ không uống.
ĐUCĐ- Gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm khác.
Gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2: Người uống từ 354-704ml ĐUCĐ /ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo dường tuýp 2>26% và nguy cơ phát triển các bệnh về chuyển hóa khác >20%.
Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Nam giới uống 354mt ĐUCĐ/ngày có nguy cơ bị mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành > 20%. Nữ giới uống 708ml ĐUCĐ mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành > 40%.
ĐUCĐ- Nguyên nhân chính gây ra sâu răng và các bệnh về răng miệng: Nguy cơ sâu răng ở cả trẻ em và người lớn sẽ tăng nếu họ tiêu thụ ĐUCĐ hàng ngày. Với trẻ em, nguy cơ sâu răng sẽ tăng 22% nếu trẻ tiêu thụ ĐUCĐ hàng ngày.
ĐUCĐ- Tác động xấu đến xương : Người uống nước ngọt hàng ngày có nguy cơ gãy xương > 2,72 lần.
Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp: Tiêu thụ ĐUCĐ thường xuyên có nguy cơ bị tăng huyết áp >1,36 lần.
Gia tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở cả nam và nữ: Nữ giới uống 1 lon ĐUCĐ mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh gút > 75%. Nam giới uống 1 lon ĐUCĐ mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh gút > 1,45 lần.
Gia tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng: Nguy cơ ung thư đại trực tràng > 2 lần ở những người tiêu thụ 708ml ĐUCĐ /ngày.
Giảm khả năng sinh sản: Uống > 354 ml ĐUCĐ/ ngày có liên quan đến việc giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ.
Tần suất sử dụng ĐUCĐ tỷ lệ thuận với nguy cơ tử vong. Người càng uống nhiều ĐUCĐ càng có nguy cơ tử vong sớm; so với việc uống ĐUCĐ ít hơn 1 lần/tháng thì người uống 1-4 lần/tháng có nguy cơ tử vong tăng 1%; uống 2-6 lần/tuần tăng 6%; uống 1-2 lần/ ngày tăng 14%; uống > 2 lần/ ngày tăng 21 %; Tăng nguy cơ tử vong sớm liên quan đến uống ĐUCĐ ở phụ nữ rõ ràng hơn so với nam giới.
Để bảo vệ sức khỏe, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn …) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, xi rô…; hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn; không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. Nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt. Đồng thời, ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô. Đặc biệt, không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ./.
Minh Thu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác