09/05/2024 08:48
Xác định công tác cải cách hành chính(CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.Trong những năm qua ngành Y tế Đắk Lắk đã triển khai và thực hiện đồng bộ mục tiêu cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; tập trung đẩy mạnh các giải pháp mang tính đột phá trong CCHC, cải tiến quy trình khám chữa bệnh hướng tới mục tiêu chung là sự hài lòng của người dân.
Trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tối đa, toàn diện, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chủ động nắm bắt thời cơ, tập trung thực hiện CCHC và xem đây là động lực phát triển, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo chất lượng phục vụ. Theo đó, để cụ thể hóa chương trình, hành động, Sở Y tế Đắk Lắk đã xây dựng Kế hoạch duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 năm 2023. Duy trì hoạt động Hệ thống quản lý văn bản và hệ thống thư điện tử của tỉnh Đắk Lắk. Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua "Chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025". Đồng thời, triển khai phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" nhằm cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân và nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tại các đơn vị y tế cơ sở. Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường ứng dụng CNTT, CĐS và đảm bảo an toàn thông tin; khai thác, ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, mạng số liệu chuyên dùng trong hoạt động y tế.
Bác sĩ CKII Nay Phi La, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Y tế, ngành y tế tỉnh nhà đang tập trung CCHC gắn với CĐS. Trong đó, tích cực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và giám định y khoa. Đồng thời, tham mưu, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các đơn vị sau sáp nhập. Tiến hành rà soát, đăng ký sử dụng dịch vụ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết TTHC và đảm bảo an ninh, bảo mật thông tin kết nối. Trong thời gian qua, Sở Y tế cũng đã phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng tổ chức các hội thảo trao đổi về CĐS y tế và đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu và nguồn nhân lực phục vụ CCHC. Cùng với đó, thử nghiệm nhiều phần mềm hiện đại, nổi bật là ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống đơn thuốc quốc gia. Nhờ vậy, đến nay, 100% lãnh đạo có thẩm quyền trong ngành y tế Đắk Lắk được trang bị chữ ký số chuyên dùng và 100% văn bản được xử lý trên môi trường điện tử; 100% các cơ sở y tế đã thực hiện việc đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ Căn cước công dân(CCCD) gắn chíp. Trong đó, lũy tích lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip đến nay là gần 1.700.000 lượt, thực hiện thành công trên 870.000 lượt. Việc làm này mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ sở khám, chữa bệnh và người có thẻ BHYT, giảm bớt các thủ tục, giấy tờ cá nhân và thời gian chờ khám bệnh.
Khi đang ngồi chờ đến lượt khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, ông Đ.X.T trú tại huyện Krông Bông cho biết: “trước đây, mỗi lần đi khám bệnh phải chờ đợi rất lâu, nhưng hiện nay thực hiện việc khám theo số thứ tự, cán bộ chỉ dẫn tận tình bệnh nhân đến các phòng để khám theo chỉ định, một số thủ tục được cắt giảm nên thời gian khám nhanh chóng. Những người dân ở xa như chúng tôi cảm thấy rất yên tâm, mỗi khi ốm đau đều đến bệnh viện để được khám, chữa bệnh”.
|
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 225/225 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. (ảnh: Đình Thi)
|
Ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng phòng công nghệ thông tin, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, đến nay, các TTHC trong lĩnh vực khám, chữa bệnh của Bệnh viện đã được rà soát, đánh giá, kiểm tra thường xuyên theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho người dân tham gia sử dụng các dịch vụ y tế. Một trong những cải tiến trong việc thực hiện CCHC đó là việc triển khai sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.
“Để triển khai hiệu quả việc sử dụng CCCD trong khám, chữa bệnh BHYT, Bệnh viện đã nâng cấp phần mềm, tự động hoá các quy trình thủ tục khám chữa bệnh, đảm bảo khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, thay mới đầu đọc thẻ, bố trí cán bộ trực KIOSK để hướng dẫn người dân đăng ký khám chữa bệnh tự động. Việc quét mã trên CCCD đã giúp cán bộ y tế xác định đúng người bệnh trên thẻ, tình trạng bệnh sử và cả thông tin các lần khám trước đó”, ông Dũng chia sẻ..
Nét nổi bật trong công tác CCHC trong ngành y tế Đắk Lắk đó là việc đáp ứng các yêu cầu về chính xác, nhanh gọn và tiện lợi để hướng tới mục tiêu vì nhân dân phục vụ. Giờ đây khi hỏi bất cứ bệnh nhân nào về phong cách, thái độ phục vụ nói riêng và chất lượng dịch vụ nói chung tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều nhận được câu trả lời giống nhau đó là có sự thay đổi rõ rệt từ thái bộ phục vụ và cách ứng xử của cán bộ, y bác sĩ trong ngành y tế. Chính sự thay đổi tích cực này thực sự mang lại niềm vui và tin tưởng cho người bệnh mỗi khi đến khám chữa bệnh.
Bác sĩ CK II Trịnh Đăng Anh, Giám đốc Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhằm thống nhất, đồng bộ triển khai công tác CCHC, hàng năm, Bệnh viện đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện trên phạm vi toàn đơn vị. Trong đó, bám sát vào các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC; tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các khoa, phòng trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ đối với viên chức, người lao động. Nhờ vậy, những năm gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền được đánh giá có nhiều cải tiến, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, các khâu tổ chức đón tiếp, thủ tục đăng ký KCB đều được niêm yết, hướng dẫn cụ thể. Qua khảo sát, tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh điều trị tại bệnh viện đạt trên 95%, tỷ lệ sẽ quay lại đạt trên 99%.
“Hiện nay, đi khám bệnh thuận lợi lắm. Trước đây, mỗi lần đi khám phải chờ đợi rất lâu, nhưng bây giờ đến bốc số theo thứ tự, một số thủ tục được cắt giảm nên khoảng 1 đến 3 giờ là khám xong. Không những công bằng và nhanh gọn mà tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ cũng có thay đổi, niềm nở, chỉ dẫn tận tình cho bệnh nhân. Điều này giúp cho bản thân tôi cảm thấy rất yên tâm mỗi khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Nhà nước”, ông Đ.T.D trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar tâm sự.
|
Các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường y tế số văn minh, thuận lợi, an toàn, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người dân. (ảnh: Đình Thi)
|
Hằng năm, Sở Y tế Đắk Lắk còn chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp. Các TTHC được công khai, minh bạch tại tất cả các cơ sở trực thuộc ngành y tế để người dân biết, theo dõi, giám sát.
Công tác giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa” được giám sát thường xuyên trên hệ thống phần mềm dịch vụ công, chấn chỉnh kịp thời việc giải quyết các TTHC của các phòng, đơn vị trực thuộc. Chú trọng tuyên truyền CCHC trong ngành y tế, tạo điều kiện để mỗi CBCCVC học tập, nâng cao trình độ, ứng dụng các phần mềm phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn.
Bác sĩ CK II Nay Phi La, Giám đốc Sở y tế Đắk Lắk cho biết, để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, ngành sẽ tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Đôn đốc nâng cấp hệ thống phần mềm khám chữa bệnh tăng cường sử dụng các tiện ích như: VneID, ví điện tử, tích hợp hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thực hiện đơn giản hóa, niêm yết công khai, minh bạch TTHC, giá dịch vụ y tế và ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi KCB, rút ngắn thời gian chờ đợi.
“Trong thời gian tới, ngành Y tế Đắk Lắk sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của UBND, HĐND tỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định; 100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến lĩnh vực do ngành tham mưu được ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn của ngành; hoàn chỉnh việc sửa đổi các quy trình giải quyết TTHC phù hợp theo quy định hiện hành và đưa vào áp dụng trên phần mềm một cửa điện tử; nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các đơn vị; thanh tra, kiểm tra công vụ gắn với xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân kỳ trách nhiệm trong giải quyết TTHC liên thông. Tất cả được thực hiện một cách toàn diện theo hướng chính quy, hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân” Bác sĩ CK II Nay Phi La khẳng định. ./.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác