09/05/2024 08:58
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 5 trường hợp tử vong do bệnh Dại (Krông Pắc: 03 trường hợp, Krông Buk: 01 trường hợp, Cư M’Gar: 01 trường hợp); tất cả các trường hợp này đều không được tiêm vắc xin phòng Dại sau khi bị phơi nhiễm với vi rút Dại.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp: năm 2023 có 82 trường hợp mắc và tử vong do dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng vắc xin, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi). Chỉ trong ba tháng đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong tại 16/63 tỉnh, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm trước (xấp xỉ 170%), số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Số ca tử vong do bệnh Dại chiếm phần lớn tổng số ca tử vong của tất cả các bệnh truyền nhiễm ở Việt nam.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 39 trường hợp tử vong do bệnh Dại.
Số liệu từ khảo sát của Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên người - Bộ Y tế cho thấy: Lý do không đi tiêm vắc xin Dại chủ yếu do người dân chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn chó vẫn bình thường (chiếm 43,8%); tiếp theo do cách xử lý không đúng trong điều trị như nhờ thầy lang, dùng thuốc nam bôi, đắp (16,4%); không hiểu biết về bệnh Dại (11%); không có tiền để đi tiêm phòng (8,2%) hay trẻ em bị chó cắn không báo cho gia đình (5,5%).
Bên cạnh những khó khăn, thách thức cho cán bộ y tế, thú y trong công tác phòng, chống bệnh Dại như tổng số đàn chó nuôi rất lớn, chủ yếu là chó thả rông nhưng chưa được quản lý chặt chẽ; tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó còn thấp (chỉ khoảng ¼ tổng số đàn chó) - chưa đạt ngưỡng khống chế; người dân hạn chế trong việc tiếp cận với vắc xin phòng bệnh Dại thì quan trọng hơn hết, ưu tiên hàng đầu vẫn là việc nâng cao nhận thức đúng đắn của người dân về phòng, chống căn bệnh này và tầm quan trọng của tiêm kháng huyết thanh/ vắc xin phòng Dại.
|
Người dân tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc được nhân viên y tế tư vấn tiêm phòng ngay sau khi bị chó cắn. (ảnh: Quang Nhật)
|
Bệnh Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh Dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó (Chó chiếm 84% trong số động vật cắn người, phải đi tiêm phòng và chiếm khoảng 97% trong số động vật cắn người gây bệnh Dại). Bệnh phân bố rải rác cả năm nhưng thường tăng cao vào mùa nắng nóng, từ tháng 5 đến tháng 8. Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3-7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng Dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Mặc dù, mèo ít bị mắc Dại hơn chó nhưng bệnh Dại ở mèo cũng tiến triển tương tự.
Ca bệnh chẩn đoán trên lâm sàng có các biểu hiện hội chứng viêm não tủy cấp tính nổi trội bởi các triệu chứng kích động như: sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng (thể dại điên cuồng) hoặc các triệu chứng liệt (thể dại liệt), tiến triển tới hôn mê và thường tử vong sau 7 đến 10 ngày. Đối với cả người và động vật, khi đã lên cơn Dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% .
|
Sau khi phơi nhiễm với vi rút Dại, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc xin phòng Dại càng sớm càng tốt. (ảnh: Quang Nhật)
|
Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 đến 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào các yếu tố: Tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Để công tác phòng chống bệnh Dại đạt hiệu quả, người dân cần lưu ý:
1. Người dân nuôi chó, mèo: cần chủ động tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y. Đặc biệt, không thả rông chó mèo, cho chó/ mèo đeo rọ mõm thường xuyên. Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện khác thường như trở nên hung dữ, cào cắn người hay động vật khác… chủ nuôi phải có trách nhiệm khai báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để kịp thời khoanh vùng và xử lý nếu chó, mèo bị Dại.
2. Đối với những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút Dại: Cán bộ thú ý, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút Dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh Dại: Thực hiện tiêm vắc xin dự phòng trước phơi nhiễm và tiêm nhắc lại theo định kỳ.
3. Đối với những người đã bị phơi nhiễm với vi rút Dại: Người bị chó, mèo, động vật dại, nghi dại cắn, cào, liếm hoặc bị nước bọt dính vào niêm mạc (như mắt, miệng, niêm mạc bị trầy xước) hoặc tiếp xúc qua da bị tổn thương và niêm mạc với bệnh phẩm/vi rút dại tại phòng thí nghiệm; Tiến hành điều trị dự phòng sau phơi nhiễm càng sớm càng tốt, bao gồm: xử lý vết thương đúng cách và nhanh chóng đi đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc xin phòng Dại càng sớm càng tốt, chú ý phải tiêm đủ liều và đúng phác đồ để đảm bảo rằng có đáp ứng miễn dịch trước khi vi rút xâm nhập vào thần kinh trung ương và sử dụng huyết thanh kháng Dại phối hợp nếu có chỉ định.
Thao tác xử lý vết thương nếu thực hiện tốt, kịp thời có thể loại bỏ được trên 50% vi rút Dại tại chỗ, bao gồm: Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Chú ý không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương. Tuyệt đối không được sờ vào vết thương động vật cắn bằng tay không; cho các chất kích thích vào vết thương như dầu, lá thơm, đất, lá trầu không...; Khâu, đốt vết thương; chữa bằng thuốc nam…và tùy trường hợp cụ thể được chỉ định tiêm phòng uốn ván, sử dụng kháng sinh chống nhiễm trùng.
Bên cạnh việc gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân, bệnh Dại còn gây thiệt hại về kinh tế, tinh thần, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cái chết do bệnh Dại gây đau khổ cho gia đình người bệnh, vết thương do chó/ mèo cắn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tinh thần của bệnh nhân có thể suốt đời; cướp mất cơ hội vui chơi giải trí, nghiên cứu, học tập, làm việc của người bệnh…
Chính vì vậy, tiêm vắc xin Dại cho cả người và động vật là biện pháp duy nhất, hiệu quả để phòng, chống bệnh Dại, cứu sống tính mạng người đã bị phơi nhiễm với vi rút Dại.
Thanh Nga
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác