09/05/2024 01:55
Được thành lập từ năm 2017, những năm qua, Tổ công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị người bệnh mà còn là cầu nối hỗ trợ tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân nghèo.
Bệnh nhân L.V.S (61 tuổi) ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị cây gãy đập vào đầu và cổ khiến 2 tay bị tê, yếu, cử động cầm, nắm khó khăn. Gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và được chẩn đoán bị gãy cột sống cổ, đứt dây chằng dọc trước kèm vỡ nhân đĩa đệm cần phải phẫu thuật gấp. Bệnh nhân S thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại không tham gia bảo hiểm y tế trong khi chi phí phẫu thuật lên đến vài chục triệu đồng. Nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị S, Tổ công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã nhanh chóng kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để lo chi phí phẫu thuật cũng như quá trình ăn, ở tại bệnh viện. Nhờ được các y, bác sĩ chăm sóc, chữa trị tận tình và không phải chịu nhiều áp lực về kinh phí điều trị, chị S đã phục hồi sức khoẻ nhanh chóng sau phẫu thuật.
Trường hợp khác là chị N.T.V ở huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông. Chị V. có con gái đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại khoa Nhi tổng hợp, căn bệnh khiến bé phải coi “bệnh viện là nhà”. Chị V. chia sẻ: “Con gái tôi bị bệnh tan máu bẩm sinh thường xuyên phải đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị. Những suất cơm, cháo miễn phí được bệnh viện kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ đã giúp tôi yên tâm duy trì việc điều trị cho con. Không chỉ vậy, các nhân viên y tế tại Tổ công tác xã hội cũng thường xuyên quan tâm hỏi thăm sức khoẻ mỗi khi xuống phòng điều trị, điều này khiến tôi cảm thấy được động viên và chia sẻ những áp lực trong việc chữa bệnh cho con”.
|
Các mạnh thường quân cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Không chỉ hai trường hợp vừa nêu được hỗ trợ trong quá trình khám và điều trị bệnh mà tất cả các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc những trường hợp đặc biệt đều được hỗ trợ từ nhân viên y tế của Tổ công tác xã hội. Để thực hiện công việc này, Tổ công tác xã hội thường xuyên phối hợp với các khoa để nắm bắt thông tin về tình hình sức khoẻ, hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân và có phương án hỗ trợ về tâm lý và vật chất. Thực hiện các hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh. Trong năm 2023, Tổ công tác xã hội đã kêu gọi được hơn 2,5 tỷ đồng và 2.668 suất quà tặng cho bệnh nhân nghèo; phối hợp với Khoa dinh dưỡng của bệnh viện kết nối với 50 đơn vị, cá nhân hỗ trợ gần 500.000 suất cơm, cháo miễn phí với số tiền gần 5,7 tỷ đồng; vận động các mạnh thường quân cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện; tổ chức ngày hội trung thu, quốc tế thiếu nhi cho trẻ; thành lập khu vui chơi cho bệnh nhi dưới sự tài trợ của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên…
|
Cán bộ Tổ công tác xã hội hướng dẫn quy trình khám bệnh cho người dân. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Ông Hồ Sỹ Phú, Trưởng Phòng điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho hay: Thường xuyên tiếp xúc với nhiều mảnh đời khó khăn, những trường hợp yếu thế, trăn trở lớn nhất của phòng là làm thế nào để hỗ trợ người bệnh được nhiều nhất. Giúp đỡ các bệnh nhân về mặt vật chất để họ vượt qua khó khăn, đồng thời chia sẻ, động viên tinh thần giúp họ vơi bớt nỗi đau và lạc quan chiến đấu với bệnh tật, đó chính là hạnh phúc của những người làm công tác xã hội nói riêng và y, bác sĩ bệnh viện nói chung.
Bên cạnh hoạt động xã hội, về hoạt động chuyên môn, với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm, hướng đến sự hài lòng của người bệnh”, những năm qua, Tổ công tác xã hội đã làm tốt vai trò đồng hành hỗ trợ người bệnh trong quá trình khám và điều trị, là cầu nối tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Mặc dù nhân lực của Tổ công tác xã hội chỉ có 10 cán bộ, phải đảm đương rất nhiều nhiệm vụ nhưng tổ đã sắp xếp công việc một cách khoa học, phân công cụ thể, hài hoà theo hình thức chia nhóm làm việc. Nhóm hướng dẫn, đón tiếp sẽ có mặt tại cổng, sảnh khoa khám bệnh phân luồng, hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh, thanh toán viện phí; nhóm truyền thông viết bài hướng dẫn bệnh nhân các nội quy, quy định của bệnh viện, ngành và cách chăm sóc bản thân, phòng, chống dịch bệnh; đăng lịch khám bệnh, các hoạt động của bệnh viện lên trang facebook để người dân nắm bắt kịp thời; nhóm hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân sẽ phối hợp cùng y, bác sĩ tại các khoa, phòng đến nắm bắt tình hình, đánh giá sức khỏe của bệnh nhân; gọi điện hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân sau khi ra viện, nhắc bệnh nhân chế độ ăn, lịch khám định kỳ...
“Khi Tổ công tác xã hội mới đi vào hoạt động, không phải ai cũng nhận ra ý nghĩa, vai trò của nó, do đó, không thể tránh khỏi tình trạng cán bộ làm công tác xã hội còn tự ti với công việc của mình. Một số người khi mới tham gia làm công tác xã hội cũng bày tỏ mong muốn làm chuyên môn. Phải sau một thời gian khi thấy ý nghĩa của công việc và được đón nhận tình cảm của người bệnh, được lãnh đạo bệnh viện ghi nhận, họ mới hết tự ti về công việc và hào hứng với nó”, ông Phú cho biết thêm.
Có thể nói, hoạt động của Tổ công tác xã hội không chỉ góp phần xây dựng bệnh viện phát triển, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh viện mà còn là nơi đồng hành, tiếp thêm động lực cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ yên tâm điều trị bệnh./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác