09/05/2024 02:04
Zona thần kinh là một trong những bệnh ngoài da có tỷ lệ người mắc khá cao. Tuy không gây nguy hiểm nhưng nếu phát hiện muộn thì việc điều trị có thể gặp khó khăn, thậm chí có thể gây ra những biến chứng không mong muốn.
Zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng ngoài da thường gặp. Bệnh do vi rút varicella-zoster gây ra. Đây cũng là loại virus gây ra bệnh thủy đậu. Khi đã khỏi bệnh thủy đậu thì vi rút này vẫn tồn tại trong cơ thể, sống trong hệ thần kinh trước khi tái hoạt động nhờ điều kiện thuận lợi, gây ra bệnh zona. Bệnh thường xuất hiện ở những người lớn tuổi, nhất là những người trên 50 tuổi. Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Theo thống kê, tỷ lệ mắc zona thần kinh ở người khỏe mạnh là 1 – 4/1000 mỗi năm và những người trên 65 tuổi chiếm tới 4 – 12/1000. Có đến 50% số người trên 85 tuổi sẽ mắc bệnh zona thần kinh. Ngoài ra, một số người mắc bệnh lý nền như: máu ác tính, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tự miễn,... cũng dễ bị tái phát zona. Tại khoa khám, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên trung bình mỗi ngày khám và điều trị cho 50 trường hợp, trong đó bệnh zona thần kinh chiếm tới 10%. Đa số bệnh nhân đến khám trong tình trạng bọng nước vỡ ra, đau đầu, mất ngủ.
|
Bệnh zona thần kinh vào giai đoạn đầu khi xuất hiện tổn thương trên da rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đau dây thần kinh hoặc da liễu thông thường khác. (ảnh: Đình Thi)
|
Trước khi có triệu chứng điển hình của bệnh zona thì bệnh nhân có các biểu hiện như sốt nhẹ, ớn lạnh, đau đầu, người mệt mỏi; cảm giác ngứa châm chích, đau hoặc nóng rát, đau dọc dây thần kinh nửa bên người; phát ban nổi lên xuất hiện dưới dạng dài hoặc mảng lớn. Trong vòng 1 đến 4 ngày, phát ban phát triển thành bọng nước đỏ, chứa nhiều dịch, nổi hạch… Bệnh zona thần kinh vào giai đoạn đầu khi xuất hiện tổn thương trên da rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đau dây thần kinh hoặc da liễu thông thường khác, chính vì vậy nhiều người chủ quan không đi khám, tự ý điều trị có thể gây ra biến chứng như đau dây thần kinh sau zona, để lại sẹo, gây giảm hoặc mất thị lực và một số biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm gan, viêm màng não…
Bà Đ.T.Q trú tại phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột đã đến khám tại Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên sau khi có các triệu chứng như: cảm giác đau rát, châm chích vùng da sau đầu, cơ thể xuất hiện những nốt mẩn đỏ chuyển thành mụn nước, đau nhói, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa I Tạ Thị Khánh Nhàn – Khoa khám, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, sau khi mắc zona thần kinh lần đầu, vi rút varicella-zoster (VZV) không bị cơ thể đào thải hoàn toàn mà thường khu trú tại các hạch thần kinh cảm giác nhưng không gây bệnh. Sau khoảng thời gian nhất định, khi miễn dịch suy giảm, hoặc do yếu tố môi trường, stress… làm tái phát bệnh zona thần kinh. Theo các nghiên cứu, cơ chế miễn dịch qua trung gian tế bào hoạt động tốt khoảng 3 – 6 tuần sau khi mắc bệnh zona và giảm dần sau 1 năm, dẫn đến tình trạng tỷ lệ tái phát zona thần kinh trong 12 tháng đầu sau khi bệnh khởi phát là thấp hơn và tăng dần đều sau 1 năm.
Ông T.M.H trú tại phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột bị zona thần kinh tái phát lần 2 và bị nhiễm trùng, ông đã tái khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Ông H cho biết, bản thân bị bệnh tăng huyết áp kèm đái tháo đường nên người lúc nào cũng mệt mỏi giờ thêm bệnh này tái phát nên sức khỏe yếu dần.
|
Bệnh nhân bị zona thần kinh khám và điều trị tại Bệnh viện. (ảnh: Đình Thi)
|
Tuy không phải là bệnh nguy hiểm, song khi mắc zona người bệnh phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt do cơ thể bị suy nhược, nếu không được chăm sóc đúng và điều trị kịp thời, người mắc bệnh có thể bị bội nhiễm da. Ở những vùng da bị nổi mụn nước rất dễ tạo thành mụn mủ loét sâu, sưng bóng và rất đau. Nguy hiểm hơn khi zona tấn công vùng mặt và nếu tổn thương vào dây thần kinh thị giác sẽ gây mù mắt. Zona tấn công vào tai có thể giảm thính lực. Phụ nữ mang thai mắc bệnh zona có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Bác sĩ chuyên khoa I Tạ Thị Khánh Nhàn khuyến cáo, bệnh zona có thể lây cho người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ những mụn nước, bọng nước bị vỡ. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không gãi, chà xát hay để nước bẩn tiếp xúc với vùng da bị nhiễm bệnh; rửa vết thương bằng nước muối loãng để sát khuẩn hoặc bằng thuốc bôi chuyên biệt mà bác sĩ chỉ định; mặc quần áo thoải mái, không bó sát vào vùng da tổn thương; tiêm chủng phòng ngừa bệnh thủy đậu và tránh được bệnh zona; có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, tập thể dục để tăng sức đề kháng; ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không hút thuốc lá; khi nghi ngờ bệnh cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời và kiên trì điều trị để bệnh nhanh khỏi./.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác