09/05/2024 04:01
Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, đối với những bệnh nhân tâm thần còn vất vả gấp bội. Song, với tình yêu nghề và tấm lòng của người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”, các nam, nữ điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk ngày qua ngày vẫn thầm lặng nỗ lực chăm sóc, chữa lành vết thương bệnh tật cho người bệnh.
Chăm sóc người bệnh tâm thần là một công việc vừa khó khăn, vừa vất vả lại không kém phần nguy hiểm. Mỗi bệnh nhân khi nhập viện điều trị đều mang một tính cách khác nhau, có người trầm tính, ít nói, ngược lại có người hát hò, la hét kích động, khóc cười vô cớ, có bệnh nhân hung hãn, có bệnh nhân luôn muốn dỗ dành như một đứa trẻ... Hoàn cảnh mắc bệnh của bệnh nhân khác nhau, có thể do di truyền, do mắc phải những cú sốc tinh thần, làm việc quá căng thẳng hay do bị áp lực từ cuộc sống mà phát bệnh. Phần lớn các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bệnh nhân không có người nhà chăm sóc nên mọi sinh hoạt hằng ngày đều do các điều dưỡng của Bệnh viện phụ trách.
Gắn bó với nghề điều dưỡng chăm sóc các bệnh nhân tâm thần đã gần 15 năm, đối với anh Huỳnh Ngọc Phong – Điều dưỡng trưởng Khoa Nam cấp Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, công việc này đã để lại cho anh biết bao kỷ niệm. Buồn có, vui có, cười có, rơi nước mắt cũng có. Điều dưỡng Phong chia sẻ: Gần 15 năm làm điều dưỡng, khó khăn, vất vả gặp phải không ít nhưng mỗi điều dưỡng chúng tôi đều thấu hiểu được bệnh nhân ở đây đều là đối tượng đặc biệt, gồm các bệnh tâm thần phân liệt, các rối loạn tâm thần, trầm cảm, động kinh, nghiện chất... nên khi làm việc gặp phải các trường hợp kích động là điều không tránh khỏi. Đặc biệt hơn, những lúc bệnh nhân phát bệnh, có những người bệnh kích động đập phá đồ đạc, đánh người thân và đồng bệnh, nói nhảm, chửi bới, có những bệnh nhân ca hát, nhảy múa cả ngày, lại có những người sợ sệt, trốn trong góc phòng... khi điều dưỡng đến hỏi, họ sẽ có hành vi chống đối,cộc cằn, nóng nảy, thậm chí tấn công nhân viên. “Nhớ có lần bản thân tôi gặp một bệnh nhân kích động. Để trấn an bệnh nhân, tôi lại gần để vỗ về bệnh nhân. Bất ngờ bệnh nhân hung hăng, dùng bạo lực đánh, đấm nhân viên. Tôi bị bệnh nhân đạp mạnh vào bụng, quá bất ngờ và đau tới mức không thở được, tôi ngã ra sàn bất tỉnh. Không chỉ tôi mà đa số đồng nghiệp làm trong nghề ở đây đều không ít lần bị chính bệnh nhân hành hung. Thậm chí, có một bác sĩ đã từng bị gãy tay do bệnh nhân phát bệnh tấn công. Mặc dù khó khăn, vất vả, nguy hiểm nhưng chúng tôi không bao giờ trách các bệnh nhân mà ngược lại, chúng tôi rất thương và đồng cảm cho hoàn cảnh các bệnh nhân. Luôn coi bệnh nhân như người trong gia đình, chịu khó, nhẫn nại và đặc biệt phải đặt chữ tâm lên hàng đầu là đức tính cần có nhất của một điều dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần”, điều dưỡng Huỳnh Ngọc Phong tâm sự.
|
Điều dưỡng cắt tóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Ai cũng biết rằng, điều trị, chăm sóc các bệnh nhân bình thường đã khó, huống hồ là trực tiếp chăm sóc những bệnh nhân bị tổn thương về thần kinh, tâm thần thì càng khó khăn gấp bội. Cho nên các điều dưỡng làm việc ở môi trường này phải là những người thấu hiểu sâu sắc tình trạng bệnh của từng bệnh nhân mới có thể gắn bó lâu dài với nghề. Bên cạnh việc cho các bệnh nhân uống thuốc, hằng ngày, điều dưỡng sẽ là người thường xuyên nhắc nhở những người bệnh dọn dẹp, vệ sinh buồng bệnh sạch sẽ, đôn đốc người bệnh hoặc làm toàn bộ, giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt, tắm giặt, gội đầu, gấp chăn, màn, cắt tóc, cắt móng tay, những bệnh nhân nặng điều dưỡng phải trực tiếp đút cơm cho bệnh nhân… Những đêm trực, các điều dưỡng thay nhau đi kiểm tra từng phòng bệnh để nhắc nhở bệnh nhân vào giường ngủ, nhắc bệnh nhân giăng màn, đắp chăn cho bệnh nhân, bởi các bệnh nhân tâm thần bị sa sút, người già bị bệnh tâm thần thường không tự chăm sóc bản thân được tốt. Để đảm bảo cho người bệnh luôn được chăm sóc chu đáo. Có không ít bệnh nhân khi uống thuốc thấy thuyên giảm sau lại tự bỏ thuốc không chịu uống tiếp và la hét, đòi gọi người thân đón về nhà. Đối với các bệnh nhân này, người điều dưỡng phải kiểm tra người bệnh uống thuốc trước mặt mình, những trường hợp bệnh nhân bị kích động hoặc rối loạn cảm xúc thường là kê đơn thuốc để cắt cơn tại chỗ cho bệnh nhân kết hợp phương pháp phục hồi chức năng, điều trị tâm lý, tư vấn, nói chuyện nhằm giúp bệnh nhân bớt sợ hãi và ổn định nhanh hơn. Không chỉ chăm sóc bệnh nhân hằng ngày, mỗi điều dưỡng còn là những người đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị và là một nhà tâm lý, cùng sẻ chia, tâm sự, trò chuyện, an ủi, động viên để bệnh nhân an tâm điều trị. Cử nhân điều dưỡng Đinh Thị Phượng – Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Với 19 năm làm nghề điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần, tôi thấu hiểu những thiệt thòi mà bệnh nhân mắc phải. Nhờ thấu hiểu bệnh nhân, những điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần sẽ có cách ứng xử và thái độ phục vụ đặc biệt, các điều dưỡng thường gọi bệnh nhân bằng tên và nhớ rõ đặc điểm bệnh và hoàn cảnh của họ. Nhờ đó, điều dưỡng đã thiết lập mối quan hệ gần gũi, tạo niềm tin với bệnh nhân trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh. Chăm sóc bệnh nhân tâm thần cần phải có kinh nghiệm và trái tim yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết. Bản thân tôi, khi vừa mới ra trường và nhận công tác, tôi ngỡ ngàng xen lẫn sợ hãi vì thực tế công việc khác xa rất nhiều so với các bài học trên sách, vở. Có lần, tôi vào chăm sóc bệnh nhân, bị bệnh nhân quậy phá ném chai nước trúng lên trán gây chảy máu. Lúc đó tôi tủi thân lắm. Nhưng rồi nghĩ tới những thiệt thòi mà bệnh nhân phải chịu, tôi lại thương và lại cống hiến. Thấm thoắt 19 năm đã trôi qua, khó khăn, vất vả không kể hết nhưng nhìn các bệnh nhân hồi phục được xuất viện trở về nhà trong niềm vui của người thân, gia đình, của chính bệnh nhân, tôi và các đồng nghiệp là có thêm động lực để gắn bó và cống hiến cho nghề. “Điều dưỡng là nghề cực kỳ vất vả, nhất là đối với các điều dưỡng trẻ mới ra trường. Có thể sẽ có lúc hụt hẫng, buồn bã, chán nản nhưng hãy nhớ rằng, điều dưỡng là một nghề rất cao quý, góp phần giúp đỡ, mang lại hiệu quả cho bệnh nhân trong quá trình điều trị, giúp bệnh nhân sớm khỏi bệnh, hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Đó chính là động lực để người điều dưỡng gắn bó với nghề. Do đó, các điều dưỡng trẻ khi đã lựa chọn gắn bó với nghề điều dưỡng, hãy tạo cho mình một tinh thần yêu nghề, hãy luôn đặt mình vào vị trí của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để thấu hiểu và sẽ có thái độ phù hợp trong quá trình chăm sóc bệnh nhân”, điều dưỡng Phượng gửi gắm tới thế hệ trẻ.
Bất kỳ cơ sở y tế nào, người điều dưỡng cũng đóng vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Sự tận tâm phục vụ, những hy sinh thầm lặng của họ đã góp phần tạo nên sự thành công của các bệnh viện, đặc biệt là sự hồi phục toàn diện của người bệnh. Bước vào ngành y, nhiều điều dưỡng xem nghề đã chọn là “công việc từ trái tim”, nhất là với những điều dưỡng chăm bệnh nhân tâm thần. Mọi gian nan đều đi qua để tình yêu thương đọng lại. “Vợ tôi đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Tâm thần. Ở nhà, vợ tôi thường xuyên la hét, không ai nói được. Tình trạng vợ tôi ngày một nặng lên, nhất là những ngày vừa qua khi thời tiết nắng nóng gay gắt. Khi đưa vợ nhập viện, được các bác sĩ điều trị, các điều dưỡng chăm sóc tận tình, tình trạng vợ tôi cải thiện rõ rệt. Hằng ngày chứng kiến các điều dưỡng vất vả chăm sóc các bệnh nhân, tôi thật sự rất cảm kích và biết ơn sự tậm tâm, tận tình của y, bác sĩ và điều dưỡng nơi đây”, ông T.T.H (trú tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) – người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.
|
Điều dưỡng cắt móng tay giúp bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Mỗi ngày khám hơn 100 trường hợp và điều trị nội trú cho khoảng 100 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, với 38 điều dưỡng, trong đó có 31 điều dưỡng nữ, có thể thấy công việc của các điều dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk không hề nhẹ nhàng và dễ dàng. Có những lúc không tránh khỏi buồn lòng, mệt mỏi, áp lực trong công việc nhưng ý thức được ý nghĩa công việc của người điều dưỡng, đó là một công việc thật cao cả nên dù khó khăn, vất vả, đội ngũ điều dưỡng của Bệnh viện Tâm thần càng cảm thấy yêu nghề mình đã chọn và tự hào khi khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng. Người ta luôn ví nghề y là nghề “làm dâu trăm họ”. Vì người bệnh thì không ai giống ai, từ bệnh tình cho đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử, để hiểu được những mong muốn của người bệnh không phải dễ. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thật sự thì có lẻ các điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần đã không chọn và gắn bó với nghề lâu đến vậy. “Nghề điều dưỡng là phải biết hy sinh, can đảm. Khi đã chọn nghề này là chọn con đường gian nan, thiệt thòi, đối diện với nỗi đau của nhiều người. Hiểu những vất vả mà đội ngũ điều dưỡng gặp phải, thời gian qua, Bệnh viện luôn cố gắng tạo môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên. Đồng thời thường xuyên khích lệ tinh thần của anh em, tạo điều kiện cho đội ngũ điều dưỡng học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Trong 38 điều dưỡng, đã có 33 điều dưỡng có trình độ đại học, 4 điều dưỡng trình độ cao đẳng và 1 điều dưỡng trung cấp. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn phát triển phòng trào thể thao, văn hóa, văn nghệ, tọa đàm trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm của ngành điều dưỡng để kịp thời động viên, khích lệ tinh thần nhân viên”, bác sĩ Nguyễn Thị Luyến - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, nói.
Được tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần của những nữ bác sĩ, điều dưỡng nơi đây mới nhận thấy đó là công việc khó khăn, vất vả và đầy rẫy những nguy hiểm mà không phải ai cũng làm được. Thế nhưng vượt lên khó khăn, những điều dưỡng bằng trái tim nhân hậu, lòng yêu nghề và đồng cảm với người bệnh đã nỗ lực từng giờ, từng ngày lan tỏa tình người ấm áp để giúp người bệnh trở về với cuộc sống đời thường, hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội và đóng góp công sức vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác