10/05/2024 01:56
Bệnh chốc là bệnh nhiễm trùng ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh do khuẩn tụ cầu và liên cầu gây ra trong điều kiện môi trường xung quanh bị ô nhiễm, thay đổi thời tiết đột ngột, vệ sinh cá nhân kém.
Chốc lở còn được gọi là bệnh Impetigo, hay còn gọi là chốc lây. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn liên cầu, tụ cầu trực tiếp tại vùng da lành hoặc do nhiễm trùng các vết trầy xước trên da như bị côn trùng cắn, xây xước do ngứa gãi…
|
Những biểu hiện của bệnh chốc như nổi mụn nước, bóng nước trên da và rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý về da thông thường khác. (ảnh: Đình Thi)
|
Bé T.N.V.A 5 tuổi trú tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông được gia đình đưa tới Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên khám sau khi xuất hiện vết loét lan rộng ở nách, có biểu hiện sốt. Chị Trần Thị Lành, mẹ bé A cho biết, ban đầu bé bị muỗi đốt và gãi gây trầy xước. Tưởng là vết thương thông thường, chị tự bôi thuốc trị thương cho bé nhưng vết thương không những không khỏi mà còn loét rộng, xuất hiện mụn nước. Cháu ngứa ngáy khó chịu, nhất là vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Trường hợp khác là bé N.G.H trú tại phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột ban đầu xuất hiện nốt nhỏ li ti ở trán, cổ nhưng gia đình nghĩ con bị rôm sảy vì thời tiết nóng bức nên đã tự mua lá đun nước tắm cho bé và dùng thuốc mỡ bôi lên vùng da tổn thương. Tuy nhiên, sau hơn 3 tuần bé vẫn không đỡ, mặt phù, có mụn mủ và kèm theo sốt. Lúc này gia đình mới đưa con đi khám thì được chẩn đoán bé bị chốc có bội nhiễm, gây viêm cầu thận.
Theo thống kê tại Khoa khám da liễu, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình mỗi tuần có từ 40 – 50 trẻ nhỏ đến khám với những biểu hiện của bệnh chốc như nổi mụn nước, bóng nước trên da và rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý về da thông thường khác. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% là trẻ độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.
Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Thị Huế - Khoa khám Da liễu, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, biểu hiện của bệnh chốc là xuất hiện các bọng nước hình tròn trên da, dễ dập vỡ sau vài giờ, bọng nước đục dần, có mủ rồi vỡ, đóng vảy màu vàng. Khi cạy lớp vảy là một lớp trợt đỏ, không sưng, không có chân mụn. Chốc hay gặp sau một số bệnh da như viêm da cơ địa, ghẻ, thủy đậu, vết đốt do côn trùng, bỏng nhiệt, viêm da. Chính vì vậy, khi mắc bệnh thường có triệu chứng hay gặp ở vùng da hở như mặt, tay, chân và các phần khác của cơ thể. Tại vùng da đầu, vảy tiết có thể làm tóc bết lại. Bệnh thường lây truyền trong các trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em do tình trạng đông đúc, dùng chung khăn lau, khăn trải giường, đồ chơi hoặc các vật dụng khác với người nhiễm bệnh. Vì ngứa và đau nên trẻ thường đưa tay lên gãi rồi lại chạm tay vào những vùng khác khiến cho bệnh lây lan trên nhiều vùng cơ thể, nếu cọ vào mắt thì gây ra viêm nhiễm sinh ghèn, ngứa và có thể làm giảm thị lực.
|
Nên đưa trẻ đi khám da liễu khi có các nốt mẩn đỏ, mưng mủ bất thường trên da. (ảnh: Đình Thi)
|
Thông thường, nếu phát hiện sớm, việc điều trị bệnh chốc lở sẽ không phải là vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn hay điều trị không đúng cách, bệnh có thể gây ra tình trạng nặng như sốt, mệt mỏi, sưng tấy tại các bộ phận trên cơ thể, chàm hóa da; lở loét, nhiễm trùng da hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe như nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm xương, viêm cầu thận….
Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Thị Huế khuyến cáo, thời tiết nóng ẩm, môi trường ô nhiễm là những yếu tố gia tăng bệnh, vì vậy nên giữ vệ sinh không gian sống, nhà ở phải thông thoáng, sạch sẽ; quần áo, mũ của trẻ phải sạch và thoát mồ hôi; giặt giũ sạch sẽ quần áo của trẻ, hạn chế tình trạng trẻ bị côn trùng cắn; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt. Giữ sạch làn da là cách tốt nhất để cho da khỏe mạnh, đề phòng bệnh chốc lở.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác