11/09/2024 09:56
Đến thời điểm này, gần 500.000 học sinh các cấp từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã bước vào năm học mới 2024-2025. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh trong năm học mới, Ngành y tế Đắk Lắk đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng.
Tiêm vắc xin phòng bệnh sớm là biện pháp hiệu quả nhất.
Theo khuyến cáo của Ngành y tế, khi sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sinh hoạt tập thể tại trường học là một trong những nguyên nhân khiến học sinh, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học dễ bị nhiễm bệnh. Trong đó, đối với các bệnh dễ lây như thủy đậu, cúm, tay chân miệng… thì dù chỉ có một trẻ mắc bệnh cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cho các trẻ khác và lây lan, bùng phát thành dịch…
Thạc sĩ, bác sĩ CKII, Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngoài sốt xuất huyết hiện đang trong mùa dịch thì một số bệnh như: thủy đậu, tay chân miệng, sởi… là những bệnh thường gặp nhất, trong đó, đáng lưu ý là ở lứa tuổi mầm non, tiểu học. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học vào đầu năm học mới là điều cần thiết để kịp thời phát hiện, có biện pháp thích hợp tránh để dịch bệnh lây lan, bùng phát. Do đó, các trường học cần có sự phối hợp chặt chẽ và làm theo hướng dẫn của Ngành Y tế để nhanh chóng xử lý các tình huống khi dịch bệnh xảy ra ngay tại cơ sở.
|
Ngành y tế tập trung phun hóa chất diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết. (ảnh: Đình Thi)
|
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc cũng nhấn mạnh, đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như thủy đậu, sởi, ho gà… các phụ huynh cần chủ động tiêm phòng cho trẻ. Nếu thấy cần thiết, phụ huynh cũng cần tiêm ngừa phòng bệnh cho mình, tránh lây cho con. Tiêm vắc xin phòng bệnh sớm là biện pháp hiệu quả nhất và phải được thực hiện trước khi xảy ra dịch. Một số phụ huynh thường gặp sai lầm là đưa bé đi tiêm vắc xin khi thấy xung quanh có nhiều trẻ mắc bệnh. Tuy nhiên, việc tiêm muộn như vậy hiệu quả sẽ càng giảm, vì có thể trẻ đã tiếp xúc với siêu vi trùng gây bệnh.
Đối với những bệnh chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu như: bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, thì cách phòng tránh tốt nhất là vệ sinh tốt bề mặt môi trường, thường xuyên làm sạch đồ chơi. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay người lớn làm vệ sinh cho trẻ. Đặc biệt là đối với trẻ độ tuổi mẫu giáo cần phải theo dõi thường xuyên xem trẻ có biểu hiện mắc tay chân miệng hay không. Nếu có cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời cho trẻ. Riêng đối với sốt xuất huyết, các trường học cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động giáo viên, học sinh thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình; kiểm tra thường xuyên để phát hiện xử lý ngay các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh trong trường học; theo dõi chặt chẽ sức khỏe của giáo viên, học sinh, trẻ em và thông báo kịp thời ngay cho y tế địa phương khi phát hiện người bị bệnh sốt xuất huyết, phối hợp xử lý ổ dịch.
“Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch; tiến hành kiểm tra các điểm nóng và chỉ đạo không chỉ công tác phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, ho gà, sởi… sẽ được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả”, Thạc sĩ, bác sĩ CKII. Hoàng Hải Phúc, chia sẻ.
Những tín hiệu tích cực.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác vệ sinh trường lớp trong việc phòng chống dịch bệnh trong nhà trường, ngay từ trước trong và sau khi khai giảng năm học mới, Ngành y tế và giáo dục Đắk Lắk đã phối hợp thực hiện tốt công tác vệ sinh trường và lớp học, coi đó là một phần quan trọng trong công tác chuẩn bị cho năm học mới. Đối với các trường mầm non và tiểu học, ngoài việc quét dọn sân trường, lớp học, việc vệ sinh sàn nhà, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; kiểm tra lại các thiết bị chuyên dùng cho nhà bếp, nhà ăn… mang ý nghĩa quyết định đến công tác phòng bệnh.
Bà Dương Thị Ái Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thực Hoa Phượng, Phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, trong một tháng, nhà trường sẽ tiến hành phun thuốc xịt muỗi 2 lần. Trong đó, cứ thứ bảy hàng tuần sẽ tổ chức để các cô tiến hành dọn dẹp vệ sinh. Khâu quan trọng nhất là nhà trường đẩy mạnh giáo dục thể chất, luôn đưa giáo dục thể chất vào thì học sinh có thể lực tốt vượt qua dịch bệnh.
|
Các trường học chủ động vệ sinh trường lớp để phòng chống dịch bệnh. (ảnh: Quang Nhật)
|
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong năm học mới, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và hệ thống y tế cơ sở đã tham gia tích cực trong việc hướng dẫn các nhà trường cách vệ sinh trường lớp học, vệ sinh đồ dùng đồ chơi; cách pha và sử dụng thuốc sát khuẩn CloraminB để lau rửa sàn nhà, bàn ghế, phản nằm và ngâm tẩy đồ chơi cho các cháu. Cũng trong khuôn khổ của sự phối hợp, các nhân viên y tế trường học được tập huấn về cách nhận biết, phòng và cách ly trẻ bị bệnh, cách xử trí ban đầu và hướng dẫn phụ huynh xử trí những trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh, tránh lây lan ra các trẻ khác.
Bà Chu Thị Liễu, Quyền Trạm trưởng Trạm Y tế Phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, chúng tôi đang triển khai thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm bù, tiêm vét vắcxin đối với những với lứa tuổi mầm non và tiểu học. “Trạm Y tế Phường phối hợp cung cấp biểu mẫu, kế hoạch và phối hợp các nhà trường yêu cầu phụ huynh cung cấp thông tin để phục vụ chiến dịch tiêm bù, tiêm vét cho các cháu” bà Liễu chia sẻ.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác