11/09/2024 10:26
Những năm gần đây, tình trạng trẻ dậy thì sớm ngày một gia tăng khiến không ít phụ huynh lo lắng cho sức khỏe và sự phát triển của con mình. Bên cạnh những phụ huynh kịp thời đưa con đi điều trị thì vẫn còn không ít phụ huynh chủ quan, không tìm hiểu và đưa con đi khám, điều trị sớm khiến trẻ chịu nhiều hệ lụy.
Vài tháng nay gia đình phát hiện con gái là bé N.Q.T, 7 tuổi tăng trưởng chiều cao vượt trội, tuyến vú cũng phát triển to ra. Quá lo lắng trước các dấu hiệu của con, chị N.M.C (trú tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) quyết định đưa bé đến khám tại Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Kết quả gia đình chị ngỡ ngàng với chẩn đoán con gái dậy thì sớm. Chị N.M.C, chia sẻ: Trước đây chị có nghe nói đến dậy thì sớm nhưng chị không mấy bận tâm. Đến khi có trường hợp con gái chị bạn mới 9 tuổi nhưng nhìn cao lớn phổng phao, ngực phát triển và có kinh nguyệt chị mới tìm hiểu. Khi phát hiện con gái mới 7 tuổi nhưng đã xuất hiện các dấu hiệu bất thường, chị lo lắng vì biết việc dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sự phát triển của con. Quá trình khám, nghe bác sĩ nói ngực con chị đã phát triển tương đương độ II Tanner, chụp X-quang xương bàn tay thấy cấu trúc xương của bé phát triển tương đương 8 tuổi. Điều đó chứng tỏ bé đã bắt đầu dậy thì. Bất ngờ nhưng cũng cảm thấy rất may mắn khi gia đình phát hiện, đưa bé đi khám sớm, được bác sĩ tư vấn hướng điều trị nên chị yên tâm phần nào.
Khởi hành khi mới hơn 3 giờ sáng từ huyện M’Đrắk để kịp giờ đưa con tới khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị T.T.G (trú tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) thấp thỏm lo lắng khi chờ kết quả khám của con mình. Theo chị T.T.G, bé nhà chị năm nay gần 8 tuổi. Trước đây, do bé sinh đôi cùng anh trai lại sinh thiếu tháng nên nhìn bé nhỏ con hơn các bạn cùng lứa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bé có biểu hiện bất thường, liên tục kêu đau ngực. “Khi tắm cho con, tôi thấy ngực bé sưng to, đụng vào bé than đau nên tôi đưa bé đi khám. Thật sự trước đến nay tôi chưa biết đến dậy thì sớm ở trẻ, thấy con đau thì đưa đi khám thôi. Bây giờ nghe các bác sĩ khám và tư vấn về trường hợp của bé tôi mới biết chứ trong xóm có không ít bé tầm tuổi con tôi nhưng cao lớn, có kinh nguyệt sớm ai cũng nghĩ bình thường”, chị T.T.G nói.
|
Bác sĩ thăm khám trẻ có biểu hiện dậy thì sớm. (ảnh: Quang Nhật)
|
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, dậy thì sớm là vấn đề đáng báo động hiện nay. Tại tỉnh Đắk Lắk, hiện nay dậy thì sớm đang là tình trạng thường gặp ở trẻ. Trẻ được xác định dậy thì sớm khi có các dấu hiệu dậy thì bắt đầu trước 9 tuổi ở bé trai và trước 8 tuổi với bé gái. Bé trai thường có biểu hiện chiều cao tăng nhanh, phát triển dương vật, mọc lông mu, lông nách, giọng ồm, xuất hiện mùi cơ thể... Ở bé gái, dậy thì sớm có dấu hiệu như tuyến vú phát triển, xuất hiện lông mu, kinh nguyệt, mụn trứng cá, … Theo bác sĩ Minh, dậy thì sớm có nhiều nguyên nhân khác nhau như nguyên nhân bệnh lý, trẻ bị các u tổn thương não, tổn thương thần kinh trung ương hoặc tuyến nội tiết. Còn một số nguyên nhân khác liên quan đến dịch tễ học, môi trường, tâm lý, dinh dưỡng, thời gian dậy thì của mẹ và chị gái trước đó... Dậy thì sớm là một trong những bệnh lý nội tiết khá phức tạp, để xác định trẻ dậy thì sớm do bệnh lý hay dậy thì giả, có cần điều trị thuốc định kỳ và can thiệp tâm lý hay không sẽ tùy thuộc vào từng trẻ. Bên cạnh dựa vào lâm sàng như thay đổi về chiều cao cân nặng, vỡ giọng, mụn trứng cá, mọc lông ở mu, nách... thì cần dựa vào trên cận lâm sàng, gồm siêu âm, chụp X-quang cổ tay, xét nghiệm nội tiết: FSH, LH, Testosteron, Estrogen…; xét nghiệm tuyến giáp. Ngoài ra, trong một trường hợp có thể được chỉ định chụp CT, MRI.
Với những trẻ dậy thì sớm, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm chậm lại quá trình dậy thì sớm, giúp bố mẹ không chỉ an tâm con phát triển chiều cao lý tưởng, bảo đảm học tập như bạn bè cùng trang lứa. Đồng thời, làm giảm áp lực tâm sinh lý ở trẻ, hạn chế các hệ lụy khôn lường gây nên như quan hệ tình dục sớm làm tăng tỷ lệ nạo, phá thai. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì sớm không được phát hiện và can thiệp kịp thời, trẻ sẽ tăng vọt chiều cao sớm và cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được điều trị, cho dù trẻ cao nhất lớp, vẫn có thể thấp nhất lớp về sau. Việc trẻ được chẩn đoán muộn, khi gần kết thúc dậy thì, việc điều trị với mục tiêu làm tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không đạt được. Bên cạnh đó, trẻ dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán, sinh lý của trẻ bị kích thích mạnh mẽ trong khi tâm lý chưa hoàn thiện, trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này.Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, các bậc phụ huynh nên cho con đi thăm khám, chẩn đoán và can thiệp sớm để đưa tốc độ tăng trưởng cũng như tâm lý của trẻ về trạng thái bình thường.
|
Bác sĩ kiểm tra phim chụp x-quang xuoqng bàn tay của trẻ để chẩn đoán dậy thì sớm. (ảnh: Quang Nhật)
|
Hậu quả của dậy thì sớm là điều thấy rõ, nhưng vẫn còn rất nhiều phụ huynh chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này. Do đó, theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, nếu không có giải pháp kiểm soát, can thiệp, điều trị sớm thì dậy thì sớm sẽ trở thành vấn nạn lớn của xã hội. Bởi nó không chỉ quyết định đến tình trạng sức khỏe và hình thành nhân cách của trẻ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì nòi giống. “Do đó, việc giúp các bậc phụ huynh hiểu về các hệ lụy của dậy thì sớm để họ chú ý sát sao đến sự phát triển của trẻ, đưa trẻ đi khám, chẩn đoán và can thiệp, điều trị sớm là việc làm hết sức quan trọng. Ngoài ra, để hạn chế các yếu tố tác động khiến trẻ dậy thì sớm, phụ huynh nên chú trọng xây dựng, giáo dục tâm lý cho trẻ đúng lứa tuổi, sử dụng các loại sách báo, chương trình truyền hình, thông tin phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đặc biệt chú trọng cung cấp cho trẻ nguồn dinh dưỡng hợp lý để trẻ phát triển khỏe mạnh”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác