17/03/2016 12:00
Cải thiện môi trường vệ sinh nông thôn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế bệnh tật là vấn đề mà các ngành chức năng luôn chú trọng. Tuy nhiên, vì rất nhiều lí do mà hoạt động này vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Việc đi vệ sinh bừa bãi không những gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguyên nhân gây phát sinh nhiều căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Không có nhà tiêu hợp vệ sinh và đi tiêu bừa bãi vẫn còn là bài toán khó tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk
Mặc dù đã làm nhà được 17 năm nhưng gia đình ông Y Khăn Niê ở buôn Kobdung B, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa xây được nhà tiêu hợp vệ sinh. Cả gia đình từ ông bà đến cháu chắt đều đi vệ sinh chung trong một hố đất được quây lại bởi những tấm bạt cũ nát, không mái che. Ông Y Khăn cho biết mặc dù rất muốn nhưng vì quá nghèo nên gia đình chưa xây được nhà tiêu hợp vệ sinh.
Gia đình bà H’Brơi K’buôr cùng buôn thậm chí không có nhà vệ sinh. Khoảng đất nhỏ trồng cà phê phía sau ngôi nhà được cả gia đình sử dụng để làm nơi vệ sinh. Thế nhưng những sinh hoạt từ nấu nướng, giặt giũ đến tắm rửa đều chỉ cách đó có mấy bước chân. Bà H’Brơi có đứa cháu ngoại mới được 9 tháng tuổi nhưng thường xuyên phải nhập viện điều trị vì bệnh tiêu chảy. Khi được hỏi về nguyên nhân bệnh, mẹ đứa trẻ chỉ biết cười và lắc đầu.
Theo các chuyên gia y tế, phóng uế bừa bãi là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy và viêm phổi, hai căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Buôn Kobdung B, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk có 202 hộ dân. Theo chị H’Lên Byă, cộng tác viên y tế của buôn, gần 80% hộ trong buôn không có nhà tiêu.
Theo báo cáo của trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, năm 2015, toàn huyện có 73,6% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong đó tập trung ở những hộ gia đình sinh sống ở trung tâm các xã, các hộ có điều kiện kinh tế khá. Còn tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tỷ lệ này rất hạn chế, số hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ chiếm 16,1%.
Từ năm 2010 đến nay, chương trình mục tiêu y tế quốc gia và các dự án trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp đã đầu tư kinh phí cho 385 gia đình thuộc hộ nghèo của huyện Buôn Đôn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với mục tiêu cải thiện môi trường vệ sinh nông thôn. Bên cạnh đó, cán bộ y tế xã và cộng tác viên y tế thôn buôn cũng thường xuyên tuyên truyền về tầm quan trọng của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, ngoài số hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí thì tỷ lệ hộ dân tự giác xây nhà tiêu hợp vệ sinh rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế gia đình khó khăn. Đơn cử như buôn Kobdung B, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk có đến 45% gia đình là hộ nghèo, đời sống kinh tế khó khăn nên việc bỏ ra tiền triệu để xây nhà vệ sinh thật không dễ dàng.
Bác sỹ Phạm Quang Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Bên cạnh yếu tố kinh tế thì nhận thức của phần lớn người dân về bảo vệ môi trường sống chưa cao. Việc phóng uế bừa bãi ở nhiều nơi đã trở thành thói quen khó thay đổi. Vậy nên dù có đủ khả năng tài chính, việc xây nhà tiêu hợp vệ sinh cũng không được họ quan tâm”.
Nhà tiêu hợp vệ sinh phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Cô lập được phân người, làm cho phân tươi hoặc chưa an toàn không thể tiếp xúc với người hoặc động vật; tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh có trong phân như vi khuẩn, vi rút. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn đảm bảo sự tự tin, bảo vệ quyền riêng tư của phụ nữ và trẻ em gái. Đi tiêu bừa bãi không chỉ gây ô nhiễm môi trường, đó còn là nơi phát sinh nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như như tiêu chảy, tả, thương hàn, nhiễm giun, sán… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và đời sống kinh tế của người dân.
Vì vậy để cải thiện môi trường vệ sinh nông thôn mang tính bền vững, cụ thể là xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thiết nghĩ cần có sự chung tay của Nhà nước và nhân dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe, từ đó tự giác thay đổi thói quen có hại thành có lợi.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 300 tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn. Đến năm 2014, toàn tỉnh có 72,2% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 87,6% người dân được sử dụng nước sạch. Dự kiến trong năm 2016, tỉnh Đắk Lắk sẽ nhận được tài trợ của Ngân hàng thế giới về mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn./.
Thu Huế - Đình Thi
Trung tâm truyền thông GDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác