06/03/2018 12:00
Ghép giác mạc là một kĩ thuật y khoa phức tạp, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế hiện đại và quan trọng là kinh phí điều trị lớn nên những trường hợp không có điều kiện kinh tế phải chấp nhận cảnh mù lòa. Mới đây, Tổ chức Amerinam Healing (Hoa Kì) phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức phẫu thuật ghép giác mạc miến phí cho bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh, đã mang đến sự hồi sinh cho những người tưởng như không bao giờ có lại được ánh sáng từ đôi mắt.
Bác sĩ Thomas Harvey, Tổ chức Amerinam Healing (Hoa Kì) phẫu thuật ghép giác mạc cho bệnh nhân
Gần năm năm nay, chị Lê Thị Trúc Oanh (31 tuổi) ở xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk ngậm ngùi sống trong những tháng ngày tuổi trẻ và hạnh phúc không trọn vẹn. Năm 26 tuổi, tai họa ấp đến khi chị Oanh tự mua thuốc nhỏ mắt về chữa bệnh đau mắt đỏ. Lần tự chữa bệnh này đã hủy hoại đôi mắt của chị. Các bác sĩ cho biết chị Oanh chỉ có thể lấy lại được ánh sáng đôi mắt bằng việc ghép giác mạc. Anh Nguyễn Minh Phước, chồng chị Oanh cho biết: “Khi nghe các bác sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh nói kinh phí phẫu thuật là gần 500 triệu, vợ chồng tôi gần như suy sụp vì số tiền ấy quá lớn”. Khi biết có chương trình ghép giác mạc miễn phí tại BVĐK tỉnh Đắk Lắk, gia đình chị Oanh vô cùng vui mừng, hi vọng được có lại ánh sáng đôi mắt sau những chuỗi ngày tăm tối. Bác sĩ Thomas Harvey, Tổ chức Amerinam Healing (Hoa Kì) cho biết chị Trúc Oanh đã bị hội chứng dị ứng thuốc rất nặng, nó gây tróc toàn bộ bề mặt da, thậm chí ảnh hưởng đến nội tạng và đôi mắt sẽ bị mù hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn nữa nếu không được ghép giác mạc kịp thời.
Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Văn Lợi (41 tuổi) ở xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Cách đây hơn 17 năm, sau một lần bị phản ứng thuốc điều trị bệnh sốt xuất huyết, đôi mắt của anh Lợi đã bị ảnh hưởng nặng nề, hậu quả là mắt trái hầu như mất khả năng nhìn. Nhiều lần ra Hà Nội để chữa trị nhưng vì kinh phí ghép giác mạc quá lớn, anh Lợi đành chấp nhận cảnh sống với một con mắt duy nhất. Mỗi khi trái gió trở trời, mắt đau, anh không lao động được, hoàn cảnh gia đình đã khó khăn nay lại khó khăn hơn.
Trong đợt này, Tổ chức Amerinam Healing (Hoa Kì) đã phẫu thuật ghép giác mạc miễn phí cho 3 trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn, với tổng kinh phí hơn 60.000 USD (tương đương gần 1 tỷ 400 triệu đồng). Đây là hoạt động lần đầu tiên được triển khai tại khu vực Tây Nguyên. Bác sĩ Ngô Văn Cường, Trưởng khoa Mắt, bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết giác mạc là nguồn nội tạng hiếm hoi chỉ có được từ những người hiến tạng. Hơn nữa, phẫu thuật ghép giác mạc là một kĩ thuật y khoa phức tạp, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế hiện đại và nguồn kinh phí điều trị lớn. Do đó, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện được chữa trị trước đó.
Sau hơn một tháng phẫu thuật, hiện ánh sáng đang dần trở lại trên đôi mắt của những bệnh nhân. Đây có lẽ là một trong những món quà xuân ý nghĩa nhất trong cuộc đời của mỗi người.
Giác mạc thường gọi là lòng đen của mắt là một màng trong suốt, cho phép sánh sáng đi vào trong mắt. Nguyên nhân dẫn các bệnh lí liên quan đến giác mạc là do viêm, chấn thương, phản ứng thuốc…ở mức độ nặng, có thể khiến giác mạc bị mờ, khiến ánh sáng không thể xuyên qua nên khả năng nhìn bị giảm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh lí về giác mạc là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 3, sau bệnh đục thủy tinh thể và glocom. Phẫu thuật ghép giác mạc (từ người hiến tạng) là phương pháp duy nhất giúp giảm tỉ lệ mù lòa do các bệnh lí giác mạc gây ra. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần ý thức bảo vệ đôi mắt của mình, tránh các chấn thương. Đặc biệt, khi có bệnh lí về mắt cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, không được tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi không có chỉ định của bác sĩ.
Bài, ảnh: Thu Huế - Đình Thi
Trung tâm truyền thông GDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác