24/06/2016 12:00
Hiện nay, trung bình một tháng, Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận khoảng 1500 đến 2000 đơn vị máu. Ngoài cung cấp máu cho cấp cứu và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, máu còn được lưu trữ tại Trung tâm huyết học để cung cấp cho tất cả các bệnh viện tuyến huyện. Vì vậy, cán bộ y, bác sỹ của Trung tâm huyết học phải đảm đương một công việc khá lớn. Từ việc tiếp nhận máu tại nơi hiến máu đến việc sàng lọc, bảo quản và truyền cho người bệnh.
Kỹ thuật viên Đặng Văn Hóa cẩn thận tìm ven lấy máu
Trung tuần tháng 6/2016, chúng tôi có dịp tham dự một buổi hiến máu tình nguyện tại huyện Ea Sup- tỉnh Đắk Lắk do Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh phối hợp với Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh Đắk Lắk tổ chức. 7 giờ sáng, sau lễ phát động, có khoảng trên 500 tình nguyện viên đăng ký hiến máu. Hội trường đông kín người khiến cho kỹ thuật viên Đặng Văn Hóa- Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh khá vất vả khi vừa phải quan sát tình trạng của những người sau khi hiến máu, vừa phải liên tục nhắc nhở các tình nguyện viên tham gia hiến máu những lưu ý để quá trình lấy máu diễn ra an toàn, nhanh chóng và hiệu quả. Máu sau khi lấy tại cơ sở sẽ được chuyển về Trung tâm huyết học để thực hiện các xét nghiệm, loại bỏ các đơn vị máu không đủ tiêu chuẩn. Tiếp đến là định nhóm máu rồi mới bắt đầu đưa vào sản xuất thành các chế phẩm máu. Tại đây, không khí làm việc cũng tất bật, khẩn trương không kém gì ở khoa cấp cứu. Mỗi người một việc, người thì thực hiện thao tác rút ống túi máu, người thì định nhóm máu để sàng lọc, đưa mẫu bệnh phẩm vào máy để phân tích, người chăm chú quan sát từng yếu tố kỹ thuật trong bảo quản máu để đảm bảo chất lượng, người ghi chép, kiểm tra hồ sơ để đưa bịch máu truyền phù hợp cho bệnh nhân… Tất cả tạo nên một môi trường làm việc thật chuyên nghiệp, nhịp nhàng. Theo anh Lại Đức Trường - Kỹ thuật viên trưởng Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh Đắk Lắk: “Để có một đơn vị máu sạch truyền cho người bệnh thì đơn vị máu đó phải được xét nghiệm nghiêm ngặt, giúp người bệnh giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền qua máu như: HIV, viêm gan B, viêm gan C..v.v.. Nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế để làm được chuỗi công việc ấy, đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật viên phải có độ chính xác cao, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ về nghiệp vụ huyết học và truyền máu cũng có thể làm cho tình trạng bệnh nhân nặng hơn hoặc có thể dẫn đến tử vong”.
Nhân viên Trung tâm huyết học truyền máu phân loại, sàng lọc và định nhóm máu trước khi đưa vào bảo quản
Hiện tại, Trung tâm huyết học truyền máu chỉ có 16 cán bộ, nhân viên, so với yêu cầu công việc thì Trung tâm vẫn còn thiếu nhiều nhân lực. Song những năm qua, với tinh thần trách nhiệm cao, toàn thể cán bộ Trung tâm luôn chia sẻ, gánh vác mọi công việc và giúp đỡ lẫn nhau nên công tác tiếp nhận, sàng lọc, điều chế, bảo quản và phân phối máu đều đạt những kết quả đáng ghi nhận, chất lượng nguồn máu luôn được đảm bảo. Nhờ đó, từ trước đến nay, trong khâu truyền máu chưa để xảy ra tai biến đáng tiếc nào.
Nhân viên y tế của Trung tâm huyết học truyền máu không trực tiếp tham gia cấp cứu hay điều trị người bệnh, nhưng họ chính là những người đã góp phần quan trọng trong việc giúp người bệnh vượt qua nguy kịch, nhất là những người đang cần máu. Cán bộ, nhân viên Trung tâm huyết học truyền máu cũng phải thường xuyên trực gác, canh thức 24/24 với các thành phẩm của máu, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ máu khi bệnh nhân cần và xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình truyền máu. Nhờ vậy, những năm qua, nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai nạn, sản phụ băng huyết sau sinh, bệnh thiếu máu mãn tính…được cung cấp máu kịp thời và vượt qua cơn nguy kịch. Trường hợp của chị Lê Thị Hoan có con bị bệnh tan máu bẩm sinh ở thôn Giang Thành, xã Ea Dah, huyện Krông Năng là một ví dụ. Chị Hoan cho biết: “9 năm qua, nhờ được truyền máu đầy đủ, định kỳ nên sức khỏe của con gái chị đã ổn định. Chị cảm thấy may mắn vì không phải đi xa, không phải tốn kém nhiều tiền bạc mà cũng có thể điều trị cho con ngay tại địa phương mình”
Dù còn rất nhiều vất vả, nhọc nhằn, nhưng có lẽ điều khiến các cán bộ, công nhân viên của Trung tâm luôn kiên trì, bền bỉ với công việc chính là lúc những đơn vị máu sạch được truyền đến người bệnh và giúp họ vượt qua cơn nguy hiểm, trở lại với cuộc sống đời thường. Với những nỗ lực không mệt mỏi, trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh Đắk Lắk đã thường xuyên đạt nhiều thành tích tốt, là tập thể lao động xuất sắc và nhận được nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Y tế Đắk Lắk. Sự ghi nhận ấy chính là sự khích lệ, động viên tinh thần to lớn, giúp các cán bộ, công nhân viên của Trung tâm càng quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc chung tay cứu sống người bệnh./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh- Đình Thi (T4g Đắk Lăk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác