05/07/2016 12:00
Thời gian vừa qua, tình trạng trẻ em bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đáng nói, những ca đuối nước thường hay xảy ra tập thể. Một mùa hè nữa lại về, đây là dịp để các em học sinh nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học tập căng thẳng. Tuy nhiên, mùa hè đến cũng là điểm thời mà tai nạn đuối nước trẻ em gia tăng. Tai nạn đuối nước đang là vấn đề được xã hội quan tâm, bởi không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý của các gia đình, nghiêm trọng hơn là sự sống còn và phát triển của trẻ em máy in 3D
Học bơi là cách để phòng tránh đuối nước cho trẻ.
Trên báo chí không ngày nào vắng những tin tức đau lòng, đó là các vụ đuối nước rất thương tâm, có những vụ cả mấy chị em ruột trong gia đình hoặc họ hàng cùng bị chết đuối. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ chết đuối ở Việt Nam cao gấp 10 lần so với các nước phát triển, chiếm 22,6% (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Trung bình mỗi ngày, cả nước có 9 trẻ em bị chết đuối và tỷ lệ chết đuối trong dịp hè tăng đột biến (Nguồn:http://vovgiaothong.vn/). Tây Nguyên là khu vực phát triển cây công nghiệp nên rất nhiều ao hồ phục vụ tưới tiêu. Mấy năm gần đây, tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước ở Đắk Lắk không ngừng tăng. Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 23 vụ trẻ em bị đuối nước tại các ao, hồ, đập thủy lợi, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tuy nhiên, nhận thức chung của người dân và toàn xã hội về vấn đề này vẫn còn hạn chế và chủ quan. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ em còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Sự quan tâm, giám sát không đầy đủ của gia đình, nhà trường và xã hội cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ đuối nước cao ở trẻ em. Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước do rơi xuống sông, suối, ao, hồ, cống nước và các vũng nước sâu trong lúc đang vui vẻ nô đùa cùng bè bạn...
Một nguyên nhân quan trọng nữa xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm biển, sông, suối, ao, hồ... trong khi các em lại không biết bơi, thể lực còn yếu, lại không có kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước. Trong khi môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt; nhiều ngôi nhà, trường học gần sông ngòi, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở khu vực sản xuất, tại các lò gạch, các khu vực khai thác đá, cát... rất nguy hiểm. Nhìn từ một khía cạnh hạ tầng giao thông, số lượng các phương tiện qua lại trên biển, sông, hồ, nhất là những ghe, đò... chở các em qua sông để đến trường thường chở quá số lượng quy định, lại cũ kỹ, hầu như không có phao cứu sinh, thiếu sự trang bị các phương tiện cứu hộ, thiếu kiểm tra, giám sát.
Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, ngày 13/5/2016 UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 3672/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, với mục đích là giúp cho trẻ em được sống và phát triển trong môi trường an toàn và lành mạnh. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng. Đặc biệt, đối với các bậc phụ huynh, phải hết sức nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, hồ, biển mà không có người lớn đi cùng trông nom. Mỗi gia đình cần phối hợp với nhà trường để quản lý chặt chẽ con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ để đi tắm sông, biển hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn. Ngoài ra, nhà trường cần tổ chức dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục. Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cấp cứu đuối nước khi có trường hợp đuối nước xảy ra. Đồng thời, các bậc cha mẹ phải cộng tác chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể phường, xã để giúp các em có một mùa hè vui vẻ và an toàn.
Phòng chống tai nạn đuối nước không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà là của toàn xã hội. Đuối nước là một trong những tai nạn có thể phòng tránh được. Do vậy, các bậc phụ huynh hãy nỗ lực phối hợp cùng toàn xã hội phòng chống đuối nước hiệu quả cho con em mình, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện./.
Bài: Võ Quỳnh - Ảnh: Bảo Châu
(T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác