25/07/2025 08:20
Đuối nước là những trường hợp tai nạn thương tích xảy ra do bị chìm trong nước dẫn đến ngạt do thiếu ôxi hoặc ngừng tim dẫn đến tử vong. Đuối nước là một tai nạn nguy hiểm, rất thường gặp, tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách. Do đó, việc trang bị kiến thức sơ cứu, cấp cứu đuối nước đúng kỹ thuật là vô cùng quan trọng để có thể cứu sống nạn nhân một cách kịp thời.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao, đặc biệt là ở trẻ em. Mỗi năm cả nước có hàng nghìn trẻ em tử vong do đuối nước. Tại Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của Khoa sức khoẻ môi trường, y tế trường học, bệnh nghề nghiệp - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk, năm 2024 toàn tỉnh có hơn 100 trường hợp bị đuối nước, trong đó có 62 trường hợp tử vong, chiếm gần 15% tổng số tử vong do tai nạn thương tích trong toàn tỉnh.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Doãn Sơn, Phó Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, có nhiều nguyên nhân khiến nạn nhân bị đuối nước, ví dụ nạn nhân không biết bơi, khi đang bơi bị ngập nước rồi hít phải nước vào phế quản, phổi; người đang bơi bị đuối sức, mất khả năng do chuột rút; tai nạn do ngã xuống nước: động kinh, say rượu…Nạn nhân bị đuối nước có thể bị ngừng tuần hoàn, do vậy cần được sơ cứu tại chỗ, khẩn trương, kịp thời, đúng kỹ thuật. Trong các trường hợp đuối nước, thời gian là yếu tố quyết định, nếu não không được cung cấp oxi trong vòng 4 phút, nạn nhân có thể tổn thương não không hồi phục, còn sau thời gian đó cơ hội não hồi phục rất thấp và sẽ để lại di chứng, chẳng hạn bệnh nhân sống thực vật hoặc bị di chứng não, phát triển về trí tuệ không tốt, gây tình trạng động kinh hoặc có thể tử vong. Nếu chúng ta phát hiện sớm, xử lý tốt, khai thông đường thở tốt, đảm bảo thông khí, đảm bảo oxi cho bệnh nhân để di chuyển lên tuyến trên hoặc bệnh nhân có ngưng tim thì chúng ta hô hấp nhân tạo thì oxi não được cung cấp và tế bào não được bảo vệ. Việc trang bị kiến thức sơ cứu đuối nước không phải chỉ dành cho bác sĩ hay nhân viên y tế mà bất kỳ ai cũng có thể học và thực hành các kỹ năng này nếu được hướng dẫn đúng cách. Đặc biệt là những người làm việc ở trường học, bể bơi, khu vui chơi, tổ dân phố, nơi trẻ em thường xuyên hoạt động, cần được tập huấn bài bản. Thực tế cho thấy, tại nhiều cơ sở y tế, nếu người bị đuối nước mà được ép tim và thổi ngạt ngay tại hiện trường thì đã có thể được cứu sống.

|
Bác sĩ HoàngThị Lưu, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hướng dẫn thực hiện hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bị đuối nước.
|
“Kỹ thuật sơ cứu người bị đuối nước không phức tạp như nhiều người nghĩ. Cái khó nhất không phải là thao tác, mà là tâm lý sẵn sàng hành động. Chỉ cần bình tĩnh làm đúng, ai cũng có thể trở thành người cứu sống sinh mạng và những người khi được chứng kiến, cũng cần hết sức bình tĩnh, không tạo thêm áp lực cho người tham gia sơ cứu thực hiện các động tác”, bác sĩ Sơn thông tin thêm.
Để cung cấp kiến thức sơ cấp cứu ban đầu khi bị đuối nước, bác sĩ Hoàng Thị Lưu, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên có hướng dẫn cụ thể như sau:
Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ: Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ôxi cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước. Nếu nạn nhân còn tỉnh, giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa họ lên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao... ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người đến cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở. Chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi, nếu không biết bơi cần gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.
Cách sơ cứu:
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân bị đuối nước ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Bước 3: Nếu bất tỉnh, hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không. Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không. Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa nạn nhân đi cơ sở y tế gần nhất. Nếu nạn nhân còn tự thở, cho nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.
Những việc làm không đúng cần tránh
Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại. Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống.
Lời khuyên của bác sĩ: Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Đặc biệt, trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được./.
Bài:Mỹ Hạnh; ảnh: Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác
- Bệnh viêm phổi ở trẻ ( 25/07/2025)
- Vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp người nghiện hút thuốc cai được thuốc lá ( 24/07/2025)
- Thiếu hụt nguồn máu phục vụ cấp cứu và điều trị ( 24/07/2025)
- Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại khu vực Buôn Đôn ( 24/07/2025)
- Phát hiện và can thiệp sớm chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ ( 23/07/2025)
- CDC Đắk Lắk và ANRS/MIE (Pháp) tăng cường hợp tác trong phòng, chống HIV/AIDS và bệnh truyền nhiễm ( 16/07/2025)
- Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống bệnh Whitmore ( 11/07/2025)
- Thận trọng với mắc sốt xuất huyết nặng, biến chứng nguy hiểm ( 11/07/2025)
- Những thay đổi mới từ Thông tư 26 giúp người bệnh mạn tính được điều trị liên tục ( 09/07/2025)
- Vai trò của tuyến y tế cơ sở trong quản lý thai nghén ( 07/07/2025)
- Chủ động công tác phòng, chống Cúm A (H5N1) ( 05/07/2025)
- Lưu ý các dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ nhập viện khi mắc bệnh tay chân miệng ( 03/07/2025)
- Không chủ quan với các loại tai nạn thương tích ( 27/06/2025)
- Chú trọng an toàn thực phẩm trong bữa ăn gia đình ( 26/06/2025)
- Trang bị kiến thức, tạo “lá chắn” bảo vệ học sinh, thanh niên trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống xâm hại tình dục ( 26/06/2025)
- Hệ lụy của việc tự ý bổ sung khoáng chất, vitamin khi mang thai ( 19/06/2025)
- Trạm Y tế thị trấn Krông Kmar: Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ( 19/06/2025)
- Nâng cao kỹ năng truyền thông, giao tiếp ứng xử cho nhân viên y tế ( 19/06/2025)
- Quyết liệt xử lý hàng giả trong lĩnh vực y tế ( 12/06/2025)
- Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết ( 12/06/2025)