25/07/2025 02:25
Viêm phổi là một trong những bệnh lý về đường hô hấp phổ biến nhưng lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là ở trẻ em dưới 2 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường gia tăng khi thời tiết thay đổi thất thường tạo môi trường thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Trường hợp bé N.N.Đ 3 tuổi trú tại xã Ea Knuếc, tỉnh Đắk Lắk đang được điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột vì bệnh viêm phổi. Trước đó bé có triệu chứng ho nhiều, chảy nước mũi, lười ăn, gia đình đã tự mua thuốc cho bé uống nhưng không đỡ. Gia đình đã đưa bé đến bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi. Sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện, đến nay tình trạng bé đã ổn, không còn sốt, không ho, bé ăn uống bình thường, sức khỏe dần ổn định.
Trường hợp khác là bé N.L.M.K 7 tháng tuổi trú tại xã Quảng Phú, tỉnh Đắk Lắk cũng đang điều trị bệnh viêm phổi tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Bé bị ho kéo dài, từng điều trị nhưng không hết mà còn kèm theo sốt trên 38,5oC. Gia đình đã đưa bé đi khám và nhập viện. Sau 03 ngày điều trị tại bệnh viện bé đã giảm ho, giảm đờm và đỡ mệt hơn.
Bác sĩ CKI Trần Thị Liễu Chi, khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cho biết bệnh viêm phổi có liên quan rất lớn đến yếu tố thời tiết và môi trường. Bệnh sẽ gia tăng khi trời chuyển lạnh hoặc mưa nhiều. Bởi vì thời điểm này, độ ẩm ngoài trời tăng cao, thích hợp cho sự sinh sôi, nảy nở của các loại tác nhân gây bệnh viêm phổi như vi rút, vi khuẩn. Bên cạnh đó, nếu môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm hoặc thường xuyên có khói thuốc lá trẻ cũng dễ mắc bệnh.

|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân viêm phổi.
|
Ghi nhận tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cho thấy, số trẻ nhập viện do các bệnh lý đường hô hấp đủ các lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Từ đầu năm 2025 đến nay Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột tiếp nhận và điều trị cho 11.881 trẻ bị các bệnh về đường hô hấp, riêng bệnh viêm phổi là 2.803 trường hợp. Trong thời gian gần đây, thời tiết thay đổi thất thường số trẻ mắc bệnh đường hô hấp cũng gia tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 117 trường hợp trẻ mắc bệnh đường hô hấp, trong đó có khoảng 30 trẻ mắc bệnh viêm phổi. Viêm phổi nếu không được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng.
Cũng theo bác Chi: Bệnh viêm phổi trong vòng từ một đến hai ngày đầu trẻ sẽ có các biểu hiện giống như bị cảm cúm thông thường: ho, hắt hơi và chảy nước mũi nhưng bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh vào những ngày tiếp theo nếu bị viêm phổi do vi rút RSV (vi rút hợp bào hô hấp), trẻ sẽ có thể có những biểu hiện thở mệt, thở khò khè, khó thở, bỏ ăn, bỏ bú, sốt cao và cần thiết phải hỗ trợ cho trẻ thở ôxy, hỗ trợ máy cho trẻ thở và một số trường hợp có thể gây biến chứng như suy hô hấp, nhiễm trùng đường huyết.

|
Khi bị viêm phổi do nhiễm vi rút RSV thường bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh những ngày tiếp theo và dẫn đến viêm phổi nặng.
|
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh viêm phổi dễ tái phát, ngoài yếu tố môi trường còn do sự chăm sóc trẻ không đúng cách của phụ huynh. Hiện nay, công tác truyền thông được đẩy mạnh, thông tin đến với người dân nhiều hơn, kiến thức của bà mẹ trong việc chăm sóc trẻ cũng tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn không ít phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ và có một số quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ như tự ý cho trẻ uống các loại nước lá cây để giảm ho, hoặc cho trẻ dùng các loại thuốc theo quảng cáo trên mạng xã hội… Điều này đã vô tình làm tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn.
Để phòng bệnh viêm phổi cho trẻ, bác sĩ Chi cũng đưa ra khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý đến sự thay đổi của thời tiết, giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, tiêm phòng các loại vắc xin đủ liều và đúng lịch (vắc xin phế cầu, cúm mùa, sởi, ho gà...), cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho ăn dặm đúng cách. Đặc biệt khi trẻ có dấu hiệu sốt, bỏ bú, bỏ ăn cần cho trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, không tự ý dùng thuốc. Khi dùng thuốc phải đúng liều theo chỉ định của bác sĩ, hạn chế tối đa khả năng bệnh tái phát, vì trẻ mắc bệnh viêm phổi nhiều lần sẽ ảnh đến sự phát triển thể chất và trí tuệ./.
Bài: Hồng Vân; ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác
- Trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu, cấp cứu nạn nhân đuối nước ( 25/07/2025)
- Vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp người nghiện hút thuốc cai được thuốc lá ( 24/07/2025)
- Thiếu hụt nguồn máu phục vụ cấp cứu và điều trị ( 24/07/2025)
- Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại khu vực Buôn Đôn ( 24/07/2025)
- Phát hiện và can thiệp sớm chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ ( 23/07/2025)
- CDC Đắk Lắk và ANRS/MIE (Pháp) tăng cường hợp tác trong phòng, chống HIV/AIDS và bệnh truyền nhiễm ( 16/07/2025)
- Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống bệnh Whitmore ( 11/07/2025)
- Thận trọng với mắc sốt xuất huyết nặng, biến chứng nguy hiểm ( 11/07/2025)
- Những thay đổi mới từ Thông tư 26 giúp người bệnh mạn tính được điều trị liên tục ( 09/07/2025)
- Vai trò của tuyến y tế cơ sở trong quản lý thai nghén ( 07/07/2025)
- Chủ động công tác phòng, chống Cúm A (H5N1) ( 05/07/2025)
- Lưu ý các dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ nhập viện khi mắc bệnh tay chân miệng ( 03/07/2025)
- Không chủ quan với các loại tai nạn thương tích ( 27/06/2025)
- Chú trọng an toàn thực phẩm trong bữa ăn gia đình ( 26/06/2025)
- Trang bị kiến thức, tạo “lá chắn” bảo vệ học sinh, thanh niên trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống xâm hại tình dục ( 26/06/2025)
- Hệ lụy của việc tự ý bổ sung khoáng chất, vitamin khi mang thai ( 19/06/2025)
- Trạm Y tế thị trấn Krông Kmar: Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ( 19/06/2025)
- Nâng cao kỹ năng truyền thông, giao tiếp ứng xử cho nhân viên y tế ( 19/06/2025)
- Quyết liệt xử lý hàng giả trong lĩnh vực y tế ( 12/06/2025)
- Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết ( 12/06/2025)