01/08/2014 12:00
Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiệm xã hội- bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020” đã nêu rõ : “…Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”.
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh:
Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm ý tế, lợi ích
và trách nhiệm tham gia của nhân dân, tại Lễ Mít tinh Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 1/7/2012.
Ảnh: Bảo Châu
Trong những năm qua, công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội. Và thực tế, trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước theo hướng phát triển XHCN, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến quyền lợi cũng như công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là nhu cầu được chăm sóc sức khỏe khi ốm đau của người dân. Vì vậy, những năm qua hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã từng bước được hoàn thiện phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng qua các năm; việc thực hiện chi trả lương hưu và các chế độ bảo hiểm xã hội đều theo quy định của pháp luật; quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành, có kết dư và bảo toàn, tăng trưởng, tham gia đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Quỹ bảo hiểm y tế đã cân đối được thu chi và có kết dư. Hệ thống tổ chức bảo hiểm xã hội trên toàn quốc được hình thành và phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Với nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; tiến tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Những năm qua, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên cả nước nói chung và tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng vẫn còn có hạn chế, khó khăn nhất định. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động, số người tham gia bảo hiểm y tế mới đạt khoảng 65% dân số. Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn có thiếu sót. Tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn nhiều. Quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội chưa chặt chẽ; Quỹ bảo hiểm xã hội, nhất là Quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần; tình trạng người lao động lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp xảy ra khá phổ biến. Quỹ bảo hiểm y tế luôn tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt; việc khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế chưa đáp ứng nhu cầu. Thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn gây phiền hà cho người bệnh….
Do đó, để phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đồng bộ với việc phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thì các cấp ủy đảng, chính quyền phải thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo hiểm xã hội ở địa phương trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội phải chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phải thường xuyên. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần được hiện đại hóa, chuyên nghiệp, chủ động tiếp cận với người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng nói chung. Chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến mọi người dân. Đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm vi phạm. Chính quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội và các tổ chức đoàn thể cần chú ý làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức; bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi. Có chính sách khuyến khích người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện thường xuyên dài hạn, hạn chế tình trạng người bị ốm đau mới mua bảo hiểm y tế. Quy định mức thanh toán bảo hiểm y tế theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người tham gia bao hiểm, vừa bảo đảm cân đối quỹ theo nguyên tắc “đóng – hưởng”.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám, chữa bệnh để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Từ đó, thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Bài: Ngọc Lan-Ảnh: Bảo Châu
Trung tâm TTGDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác