28/08/2014 12:00
Bước qua tuổi thiếu nhi, tuổi vị thành niên có những thay đổi về nhiều mặt, từ ngoại hình, tính cách đến tâm sinh lý. Đặc biệt, các em bắt đầu có những quan tâm, tò mò về giới tính và sức khỏe sinh sản. Làm thế nào để tuổi vị thành niên có kiến thức và hành vi đúng đắn trong tình yêu, tình dục, nhằm đảm bảo một tương lai an toàn là điều trăn trở của rất nhiều bậc phụ huynh.
Tư vấn sức khỏe vị thành niên tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Lắk
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vị thành niên là lứa tuổi từ 10-19 tuổi. Đây được xem là lứa tuổi quan trọng trong quá trình phát triển thể lực, hình thành nhân cách và tri thức sống.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hiện tượng dậy thì ở con người ngày càng sớm hơn so với trước kia, vì chế độ dinh dưỡng cũng như nhiều hoạt động vật chất được nâng cao. Điều này đồng nghĩa với việc con người có nhu cầu tìm hiểu về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản sớm hơn, phong phú hơn. Do đó, việc tìm ra giải pháp để trẻ vị thành niên có những hành xử đúng đắn trong tình yêu, tình dục là việc làm hết sức cần thiết.
Tình yêu, tình dục cũng là một trong những khía cạnh quan trọng của đời sống, là nhu cầu thiết yếu của con người bên cạnh các nhu cầu khác như ăn, uống, lao động, học tập…, nên việc các em chủ động tìm hiểu là điều tất yếu. Tuy nhiên hiện nay, các trường học phổ thông đều chưa đưa chương trình giáo dục sức khỏe về giới vào giảng dạy chính thức, mà chỉ phổ biến trong một số tiết ngoại khóa ít ỏi. Các bậc phụ huynh lại thường né tránh và ngăn cấm con tìm hiểu về những vấn đề này. Họ cho rằng, nhiệm vụ chính của các em là học tập. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình thì Việt Nam đang là nước đứng đầu khu vực Đông nam Á về tỷ lệ nạo phá thai (32%), trong đó hơn 20% nằm ở lứa tuổi vị thành niên. Tại Đắk Lắk, thống kê của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng cho thấy con số này đang tăng lên hàng năm. Năm 2011, có gần 1.350 trường hợp; năm 2012 là 1.440 trường hợp và năm 2013 là 1.538 trường hợp. Lý giải về điều này, bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe vị thành niên-Nam học, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Lắk cho rằng, những quan niệm mang tính truyền thống cho đến nay vẫn còn có ảnh hưởng rất lớn trong suy nghĩ của nhiều người, họ cho rằng tình dục và sức khỏe sinh sản là vấn đề hết sức tế nhị, vì vậy càng ít để con cái biết thì càng tốt. Do bị hạn chế về kiến thức, các em thường hành xử theo bản năng và cảm tính nên dễ mắc sai lầm.
Em Trần Thị Quỳnh Như, 18 tuổi, trú tại thôn 2, xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ rằng, em chưa bao giờ tìm hiểu về vấn đề sức khỏe sinh sản, bởi vì mẹ em không cho phép. Em Lê Hoàng Bảo Trung, 19 tuổi, ở thôn 6, xã Hòa Thuận cũng chưa bao giờ thổ lộ những vấn đề về giới tính và tình yêu với bố mẹ vì e ngại, mà chỉ tâm sự với bạn bè.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hường cho biết, rất nhiều trường hợp nữ vị thành niên có thai ngoài ý muốn rồi chọn nơi nạo phá thai không an toàn, và nhiều em đến với Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản trong tình trạng bị viêm nhiễm phụ khoa nặng. Những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng sinh sản sau này.
Hiện nay, tại Đắk Lắk, chưa hình thành các trung tâm tư vấn tâm sinh lý dành cho lứa tuổi vị thành niên. Ngoài một số trường hợp tìm đến Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản để tư vấn, thì địa chỉ chủ yếu mà các em tìm hiểu về sức khỏe sinh sản vẫn là mạng internet với rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Do đó, các chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ phải là địa chỉ tin cậy nhất cung cấp cho các em những kiến thức đúng đắn về vấn đề giới tính, tình yêu, tình dục. Thay bằng việc che giấu và cấm đoán thì cha mẹ nên thẳng thắn trao đổi, chia sẻ cởi mở, từ đó hướng các em có cách sống, sinh hoạt lành mạnh, tình yêu trong sáng.
Trong khuôn khổ hoạt động của Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” năm 2014, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các bà mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên về cách nói chuyện cùng con về sức khỏe sinh sản, nhằm truyền đạt những phương pháp mới trong giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên, thay đổi quan niệm cũ để hòa hợp với suy nghĩ của con cái mình, từ đó xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bậc làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình trưởng thành và có một tương lai tốt đẹp. Nhưng cuộc sống, đôi khi không thể tránh được những rủi ro. Nếu trẻ vô tình mắc sai lầm thì hơn ai hết, cha mẹ và gia đình phải là người động viên và tìm ra giải pháp tốt nhất cho trẻ, phải là điểm tựa tinh thần cho con. Có như vậy, trẻ mới tiếp tục vững tin vào cuộc sống và hướng đến tương lai./.
Bài, ảnh: Thu Huế - Đình Thi.
Trung tâm truyền thông GDSK.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác