15/09/2014 12:00
Trong những năm gần đây, tình trạng bệnh nhân nhập viện điều trị do tai nạn giao thông ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhất là vào các dịp lễ, tết…lượng bệnh nhân nhập viện có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Điều đó, khiến việc cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh càng trở nên quá tải.
Trong tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình
thì bệnh nhân do tai nạn giao thông chiếm khoảng 80%.
Tại khoa Chấn Thương Chỉnh hình – Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị từ 8 đến 12 bệnh nhân, ngày cao điểm có thể lên tới 15 hoặc 20 trường hợp. Trong tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị thì bệnh nhân do tai nạn giao thông chiếm khoảng 80%, còn lại là do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt..... Do lượng bệnh nhân đông nên công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt mức 100%, người bệnh phải nằm đôi, nằm ba hoặc nằm trên băng ca là điều khó tránh khỏi, tình trạng này cũng tiểm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn giữa các bệnh nhân tại đây.
Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014, khoa Chấn thương Chỉnh hình –Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận điều trị gần 2000 lượt người, xấp xỉ bằng tổng số lượt bệnh nhân điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình của cả năm 2013, trong đó, tai nạn giao thông tăng gần 100 trường hợp.
“Phần lớn, bệnh nhân được chuyển từ các tuyến lên và khi đến đây đều trong tình trạng nặng như: chấn thương sọ não, gãy xương hàm, dập lách, gãy tay chân... để cứu sống người bệnh đã khó, việc phẫu thuật giữ thẩm mỹ, trả lại sự lành lặn cho bệnh nhân lại càng khó hơn nhưng tất cả vì người bệnh nên đội ngũ Y Bác sỹ luôn nỗ lực để đem lại những điều tốt nhất cho người bệnh” - Bác sỹ Nguyễn Thanh Phước –Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Trường hợp của anh Y Duk Byã ở buôn EaMa, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Anh bị tai nạn do chạm xe cố tình phóng nhanh, vượt ẩu khi đang tham gia giao thông cùng chiều với các xe tải, hậu quả đã khiến anh văng xuống lề đường, bất tỉnh, tụ máu bụng và gãy tay, chân. Bao nhiêu ngày anh nằm điều trị trong bệnh viện là bấy nhiêu ngày anh cảm thấy hối hận vì người thân phải theo để chăm sóc, kể cả đứa con gái nhỏ của anh cũng phải theo mẹ đến Bệnh viện vì gia cảnh neo người không ai chăm sóc. Anh Y Duk Byã chia sẻ: “Tôi biết mình đã sai vì tham gia giao thông sau khi đã uống rượu nên không làm chủ được tốc độ. Giờ nằm một chỗ chỉ làm khổ cho vợ và con. Tôi mong tất cả mọi người đừng như tôi…”
Anh La Trọng Chiến, thôn 2, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cũng điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình, anh bị tai nạn là do bất cẩn, anh hối tiếc: “ Giá như mình cẩn thận hơn một chút nữa thì có lẽ …tốt rồi!”.
Tai nạn giao thông là mối hiểm họa của toàn xã hội, ai cũng có thể bị tai nạn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để tránh bị tai nạn giao thông, đòi hỏi mọi người phải chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, như: đủ điều kiện điều khiển phương tiện, đi đúng phần đường, làn đường, tốc độ quy định, thận trọng khi chuyển hướng hoặc các nơi giao nhau. Đặc biệt, không tham gia điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia…
Bài, ảnh: Hương Xuân –Đình Thi
(Trung tâm TT-GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác