28/10/2014 12:00
Với một người bình thường, để đạt tới thành công trong công việc, họ đã phải phấn đấu hết mình. Còn người khuyết tật, đó là cả một quá tình khó khăn nhất, thế nhưng bằng ý chí và nghị anh Nguyễn Tấn Lực, thôn 2 xã Hoà Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tạo cho mình một thương hiệu nghề nghiệp và là tấm gương điển hình cho thế hệ trẻ noi theo.
Nhìn đôi chân không lành lặn của anh Nguyễn Tấn Lực, ít ai nghĩ rằng
anh là người nhanh nhẹn đến như vậy
Anh Nguyễn Tấn Lực đang sửa các đồ dân dụng
Mặc cảm với số phận
Sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, nhưng duy nhất chỉ có mình anh Lực là người khuyết tật. Năm lên 4 tuổi, trong một cơn sốt bại não, đã để lại di chứng trong anh với đôi chân tật nguyền. Do mặc cảm với khiếm khuyết của cơ thể, cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Lực đã không được theo học như những bạn bè cùng trang lứa. Lớn lên, được sự động viên của gia đình bạn bè, anh đã dần xoá bỏ đi mặc cảm của bản thân để vươn lên trong cuộc sống.
Cái tên của anh cũng đã nói lên tinh thần, nghị lực sống của anh. Anh tự thấy mình cần phải làm việc gì đó để có ích cho cuộc đời. Và rồi nhiều lần tự mày mò học hỏi người quen, anh đã tự mở tiệm cắt tóc. Những lúc vắng khách anh lại thích lôi đồ điện tử tháo ra rồi lắp lại và tự sửa chữa những vật dụng trong gia đình mình khi nó hư hỏng. Mỗi khi hàng xóm có máy móc bị hư cũng nhờ anh sửa giùm thấy hiệu quả tốt, máy chạy bền. Lâu ngày thành quen, anh tự nhận ra mình có năng khiếu sữa chữa máy móc hơn là thợ cắt tóc. Thế rồi anh cũng đã chuyển nghề cắt tóc sang làm nghề thợ sửa chữa đồng hồ, gò hàn, điện cơ…
Thời gian tôi luyện, tiếng lành đồn xa, nhiều người biết đến anh với công việc là sữa chữa điện tử, nào là máy bơm nước, nồi cơm điện… Nói chung tất cả đồ dân dụng trong gia đình anh đều sửa được.
Ông Phạm Đình Nam, thôn 4 xã Hoà Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vui vẻ chia sẻ “ anh Lực là người rất chu toàn, tính tình niềm nở, tôi là người thôn khác nhưng biết anh lực có tiếng là sửa chữa điện cơ đảm bảo nên nhà tôi mỗi khi máy bơm nước hỏng hay nồi cơm điện tôi đều qua đây. Anh là người khuyết tật nhưng có tài, người bình thường chưa chắc làm được như anh’’.
Vượt lên chính mình
Năm 2009 được sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam, đã hỗ trợ vay vốn cho người khuyết tật, anh đã mạnh dạn đề xuất vay 35 triệu đồng để đầu tư mua trang thiết bị cho xưởng cơ điện. Nhưng ông trời vẫn thử lòng anh, với số vốn vay được 35 triệu đồng, anh Lực đã mua dây đồng và một số phụ kiện khác để hỗ trợ cho công việc của anh được tốt hơn nhưng không ngờ chỉ một tháng sau số vật liệu anh mua trên đã rớt giá xuống hơn một nửa. Thế là cả vốn lẫn lời đều không có, anh đành chấp nhận làm không công. Không một lời than thở, không nhụt chí, anh nói “Thua keo này ta bày keo khác” và ông trời đã phải thua cuộc trước tình thần vượt khó vươn lên của anh, từ một xưởng điện cơ đơn giản đấn nay anh Lực đã có một cơ sở khá khang trang.
Ông Phạm Văn Tiến, chủ nhiệm câu lạc bộ người khuyết tật xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột nhận xét “ Bằng đầu óc thông minh, đôi bàn tay khóe léo, anh Lực đã khẳng định được vai trò của mình trong đời sống của người khuyết, các loại máy móc được anh sửa chữa đều chạy tốt. Uy tín ngày càng cao, bà con tin tưởng”.
Từ ngày có xưởng điện cơ mọc lên, không chỉ giúp cho gia đình anh có cuộc sống khá giả, hai đứa con trai kháu khỉnh của anh cũng được học hành chu đáo mà còn tạo điều kiện công ăn việc làm cho gần 20 công nhân gồm người khuyết tật và người bình thường ở các địa phương khác. Thỉnh thoảng lại có học trò cũ mới mở tiệm đang còn bỡ ngỡ gọi điện hỏi thăm, nhờ anh tư vấn thêm những điều chưa rõ, anh sãn sàng chia sẻ. Bởi với anh, giúp một người cũng coi như là tự cứu mình. Nhận xét về năng lực làm việc của anh Nguyễn Tấn Lực, Ông Cao Xuân Huy – Trưởng thôn 2, xã Hòa Thuận, thành phố buôn Ma Thuột cho biết “ Anh là tấm gương điển hình của những người khuyết tật xã Hòa Thuận, luôn tự mày mò tìm kiếm những cái mới và lạ trong công việc cho nên cơ sở của anh đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của nhiều bạn trẻ khuyết tật, những lao động bình thường và là bạn của nọi nhà nông”.
Nhìn đôi chân không lành lặn của anh Nguyễn Tấn Lực, ít ai nghĩ rằng anh là người nhanh nhẹn đến như vậy. Đó là cả một quá trình luyện tập với nghị lực vươn lên mạnh mẽ. Khi tiếp xúc với anh, không ai cảm thấy anh là một người khuyết tật, bởi sự hòa đồng, niềm lạc quan, yêu đời luôn toát lên ở anh, và cũng bởi vì dường như chưa bao giờ anh nghĩ mình khác những người bình thường.
Ước muốn giản đơn
Khi hỏi về mong muốn trong tương lai, anh chỉ mỉm cười khẽ nói: Cần nhiều hơn nữa những con người đồng cảm với những người khuyết tật, những tổ chức xã hội từ thiện tạo thêm nguồn vốn, mở lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật để họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng.
Hiện nay, rất nhiều người khuyết tật vẫn còn mặc cảm, tự ti về bản thân mình và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nhưng với anh Nguyễn Tấn Lực tuy khiếm khuyết của cơ thể, nhưng đó không phải là rào cản để anh thôi ước mơ và nỗ lực đóng góp sức mình cho sự phát triển của xã hội. Đó chính là điều khiến anh Lực luôn là một người bình thường.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 90.000 người khuyết tật (NKT). Trong đó, có hơn 25.000 người thuộc diện khuyết tật nặng đang được hưởng chế độ trợ cấp xã hội; gần 80% số NKT sống ở nông thôn, cuộc sống chủ yếu dựa vào gia đình; gần 40% thuộc diện hộ nghèo, chỉ có gần 10% thuộc diện hộ khá. Ngoài ra còn có 1.000 NKT đang được hưởng chế độ trợ cấp diện chất độc hóa học; hơn 400 NKT đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Bài : Kim Oanh , ảnh : Trần Lan
Trung Tâm TT – GDSK Đắk Lắk
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác