10/11/2014 12:00
Chiều 28/10/2014, Ngân hàng Thế giới đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk về chương trình nước sạch vệ sinh môi trường.
Quang cảnh buổi làm việc
Báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk cho thấy, từ năm 2007- 2010 tổng số vốn nhà nước đầu tư cho việc thực hiện chương trình vệ sinh môi trường là 5,868 tỷ. Trong đó chủ yếu tập trung vào xây dựng chương trình cấp nước sạch cho người dân, trạm y tế, trường học, hỗ trợ làm nhà tiêu hộ gia đình, xây dựng chuồng trại chăn nuôi… Kết quả, tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 95 trạm y tế xã có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 81 hộ gia đình có cấp nước hợp vệ sinh và 61 hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài nguồn vốn trên, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk cũng đã huy động lồng ghép nhiều nguồn vốn khác, như: Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 134, 135, các tổ chức quốc tế tài trợ để ưu tiên đầu tư cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Song, do công tác quản lý còn yếu kém nên nhiều công trình xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả. Hiện nay, tỷ lệ nhà tiêu không hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh vẫn còn chiếm khoảng 29,8%, đa số hộ dân vẫn sử dụng hố xí tự tạo hoặc đi tiêu bừa bãi, chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với việc sử dụng nước sạch, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 87,6%. Còn lại các hộ gia đình sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh chủ yếu là do đào không có thành, nền giếng và giếng gần các nguồn nước ô nhiễm. Và hộ gia đình có chuồng trại hợp vệ sinh chiếm 49,4%.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk đã nêu những khó khăn chung, như: việc đầu tư cho chương trình vệ sinh môi trường chỉ đạt ở mức phát động phong trào, làm điểm và chưa thực sự trở thành một trong những chỉ tiêu kinh tế xã hội mà các địa phương phải đạt; đồng thời đề xuất thời gian tới, các sở, ngành, đoàn thể địa phương cần huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ quỹ Xóa đói giảm nghèo, các quỹ khác phục vụ xây dựng công trình vệ sinh môi trường nông thôn.
Về phía Ngân hàng thế giới, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian vào việc cùng bàn luận, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc còn gặp phải trong quá trình thực hiện Dự án giai đoạn 2007-2010 để từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp hơn trong việc thực hiện chương trình vệ sinh môi trường thời gian tới đạt hiệu quả./.
Tin, ảnh: Mỹ Hạnh- Quang Nhật
(Trung tâm TT-GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác