25/11/2014 12:00
Trở lại nơi sinh ra Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp: Ngay sau ngày anh Hiệp tình nguyện lên đường nhập ngũ, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc, cùng thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Thái Nguyên thì Nam Định và Vinh là địa bàn chiến lược quân ta tập chung bộ đội và vũ khí, khí tài để vào Nam chiến đấu, là trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên bắn phá, ném bom quyết liệt hòng ngăn chặn bước tiến của quân dân miền Bắc chi viện cho miền Nam.
Gia đình Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp. (Ảnh chụp tại Bảo Tàng Hồ Chí Minh)
Nhiều vùng dân cư, trường học, trạm y tế và đường xá trong thành phố Nam Định bị trúng bom Mỹ gây thương vong cho nhân dân, vì vậy các cơ quan hành chính của tỉnh, thành phố và cả nhân dân được lệnh sơ tán về vùng nông thôn để đảm bảo an toàn cho nhân dân. phố Hàng Cau và các phố phường trong thành Nam Định vốn trước nay tấp nập là thể, giờ chỉ còn thấp thoáng các anh chị dân quân khu phố và tự vệ của nhà máy dệt, nhà máy điện tuần tra trong thành phố, qua lại các ngõ, đường phố bảo mật phòng gian và làm nhiệm vụ cứu thương, chữa cháy, phối hợp với bộ đội cao xạ, tên lửa đánh trả máy bay Mỹ tầm thấp và truy bắt phi công Mỹ nhảy dù khi bị bắn rơi.
Cả gia đình được ông bà đưa về quê Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng sơ tán và tiếp tục lao động sản xuất, các em Thìn, Mừng, Tuất đội mũ rơm phòng bom bi đi học nơi trường phổ thông sơ tán, những chiếc mũ rơm đã đi vào kỷ niệm không bao giờ quên đối với các em trong những ngày tháng chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ với mục tiêu rải thảm đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời đại đồ đá, hòng khuất phục ý chí chiến đấu của quân dân ta. Cùng với mọi người dân ở miền Bắc, cả gia đình luôn hướng về miền Nam ruột thịt nơi có anh trai Vũ Quang Hiệp đang chiến đấu chống quân xâm lược. Anh Cường cũng là bộ đội phòng không chiến đấu dũng cảm tiêu diệt máy bay Mỹ tới ném bom miền Bắc và đã hy sinh anh dũng trong một trận chiến đấu bảo vệ vùng trời, mảnh đất quê hương.
Cuộc chiến đấu ác liệt nhất là năm bảy mươi hai khi Tổng thống Mỹ Ních Sơn quyết đem bom đạn dành thế chiến lược trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pari. Nhưng nhân dân Việt Nam đã trả lời đích đáng trước sức mạnh bom đạn của quân thù, chỉ những ngày tháng cuối năm bảy hai hơn ba mươi máy bay B52 và hàng trăm máy bay cường kích, tiêm kích của Mỹ đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc, hàng trăm phi công Mỹ bị bắt sống và đã phải cúi đầu nhận tội trước công luận thế giới. Đế quốc Mỹ đã thất bại thảm hại trước ý chí chiến đấu ngoan cường của quân dân miền Bắc với sự tiếp ứng chia lửa của quân dân miền Nam với khẩu hiệu: Miền Bắc kêu gọi Miền Nam trả lời… nhiều trận đánh ác liệt giáng thẳng vào đầu não quân Mỹ nguỵ ở sài Gòn và các cứ điểm chiến lược trên toàn Miền Nam đã góp sức phá tan âm mưu tàn bạo, nham hiểm của đế quốc Mỹ, trước thất bại to lớn trước ý chí và sức mạnh tiến công của quân dân hai miền Nam Bắc, Mỹ đã buộc phải ngồi lại vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh phá hoại Miền Bắc.
Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, cuộc sống của nhân dân trên toàn miền Bắc đã trở lại bình yên, ở thành phố Nam Định cũng vậy tiếng súng, tiếng bom và tiếng còi báo động giờ đây đã được thay bằng tiếng còi tầm vào ca mỗi sáng sớm và mỗi buổi chiều hoàng hôn, tiếng công nhân ríu rít nói cười lúc tan ca, chợ hoa Hàng Đồng lại khoe sắc thắm muôn màu, để bên mỗi khung cửa sổ còn vương khói bom lại tràn trề ánh mắt trẻ thơ xen với những bông cúc, bông hồng… Nhưng cũng nhiều những đường phố tan hoang bởi bom rải thảm, mặt đất đầy gạch ngói ngổn ngang, những bức tranh, một con búp bê bị vùi dập dưới khung cửa cháy dở cùng mảng tường sụp đổ còn đó hàng chữ: đả đảo giặc Mỹ xâm lược. phố Hàng Cau là một trong những nơi chịu nhiều trận bom rải thảm và bị tàn phá nặng nề nhất Nam Định. Anh cả cùng Ông Nội đã trở về phố Hàng Cau một lần ngay sau khi bầu trời thành phố ngành Dệt lớn nhất miền Bắc im tiếng máy bay, không thể nhận ra đâu là nơi xưa kia có căn nhà thân thương rộn tiếng nói cười của bầy con trẻ nữa, cả một dãy phố dài đã bị san thành bình địa với những hố bom chồng lên hố bom, gạch ngói, gỗ ván la liệt nham nhở, đây đó một vài nhánh cỏ đã vội vươn lên từ một đáy hố bom như ghi lại mầm sống nhỏ nhoi giữa vết lở lói của chiến tranh. Vậy là cả gia đình phải trở về quê cũ Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng gây dựng lại cuộc sống mới sau những đau thương, mất mát của chiến tranh: anh Cường là Liệt sỹ trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, và Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp hy sinh năm 1970 (?) trong chiến trường miền Nam, được cấp bằng Tổ quốc ghi công sau năm 1975.
Sau giải phóng khi người anh cả của Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp là anh Vũ Quang Huân từ quê hương Nam Định vào xây dựng vùng kinh tế mới tại tỉnh Đắk Lắk , mang theo lời dặn của Cha: “Con vào Nam công tác, nhớ tìm mộ phần của em Hiệp hy sinh trong đó quãng những năm bảy mươi, em con nằm ở nơi nào đấy ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đấy con nhé…”. Nhớ lời dặn của Cha, anh Huân và sau này cả em út là anh Tuất cũng chuyển vào Đắk Lắk làm ăn đã cố công, ra sức đi tìm nơi hy sinh và mộ phần của người anh em ruột thịt: Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp nhưng mãi vẫn bặt vô âm tín. Sau khi Đắk Lắk chia tách thành hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, anh Tuất được điều động về xây dựng tỉnh mới Đắk Nông, cùng lời dặn của Cha và trong lòng luôn đau đáu nỗi niềm phải tìm được thông tin về người anh Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp. Anh Tuất nhớ lại thủa còn nhỏ ở nhà ngoài tên đi học của anh Hiệp là Vũ Quang Hiệp thì cả nhà vẫn hay thường gọi anh Hiệp là Vũ Như Hưng, về tình tiết này anh Tuất nhớ cha kể lại và anh Hiệp cũng hay nhắc trước khi lên đường nhập ngũ là khi vào học lớp một ở trường cấp 1 ở cuối phố Hàng Cau, có thầy giáo quê ở Xuân Trường nghe nói là cháu họ Bác Trường Chinh, thấy lớp có hai học sinh tên Hưng, lại ngắm tư chất của trò Như Hưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát nên Thầy qua nhà xin Cha đổi tên cho Như Hưng thành Quang Hiệp với ý nghĩa là Người Hiệp sỹ Quang minh chính đại, và Cha đã thuận lòng.
Sau những nỗ lực dò hỏi, rồi đi tìm khá nhiều các nghĩa trang liệt sỹ khu vực Đắk Nông, sang cả tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, Lâm Đồng không có kết quả. Ngày 30 tháng 4 năm 2012, nhân được dự buổi mít tinh kỷ niệm ba mươi bảy năm đại thắng mùa xuân năm bảy lăm, thống nhất đất nước, được nghe nói về Web Marin: NHẮN TÌM ĐỒNG ĐỘI – Hành động để xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Ngay ngày hôm sau anh Tuất đã vào ngay Web và cập nhật thư mục: Tìm thân nhân liệt sỹ, Anh cảm nhận một điều gì thật lạ, thật hồi hộp, một sự thấp thỏm và xen lẫn một niềm tin sẽ có thông tin về người anh của mình như muốn vỡ oà… Sáng ngày 3 tháng 5 năm 2012, tay anh Tuất run lên như phát sốt khi trên màn hình hiện lên số thứ tự:
481. ngày 8 tháng 7 năm 2007
Nhắn tìm thân nhân L.S Vũ Quang Hiệp ( tên thật là Vũ Như Hưng)
Ngày sinh: 1949
Quê quán: tỉnh Nam Định.
Ngày hy sinh: 22.5.1973
Nơi hy sinh: Hố Le, Thới hoà, Bến Cát, Bình Dương.
Ai là thân nhân Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp ( Vũ Như Hưng) xin vui lòng liên hệ với chúng tôi: Vũ Thị Kiều Định. Địa chỉ 34/3 tổ 14, khu phố 5, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đt: 0650836389. hoặc Huỳnh Mạnh Tiến. Đài Phát thanh – Truyền Hình tỉnh Bình Phước. đt: 0983957788.
Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp ( Vũ Như Hưng) nhà trước đây ở phố Hàng Cau, Tp Nam Định, tỉnh Nam Định. Có người người chú tên Thìn.
Màn hình máy tính như nhoè đi, phải mất tới một khoảng thời gian lâu sau anh Tuất mới bình tĩnh và kiểm tra lại các thông tin có trên tin nhắn: Vũ Quang Hiệp – Vũ Như Hưng. Sinh năm 1949. Quê quán tỉnh Nam Định. Nhà trước đây ở phố Hàng Cau thành phố Nam Định. Có người chú tên Thìn.
Chi tiết làm anh Tuất tin tưởng nhất đó chính là tên Vũ Quang Hiệp – tên thật là Vũ Như Hưng, còn các thông tin khác đều trùng khớp, bởi sự chắc chắn là sẽ không có người thứ hai có sự trùng tên một cách kỳ diệu thế. Tay run run anh Tuất cầm điện thoại bấm số 0650836389, giọng nói nhẹ nhàng của miền Đông Nam bộ mà sao nghe quen đến lạ thường: dạ Kiều Định nghe ạ, dạ đúng con là con của ba Hiệp… dạ Má con nói hồi xưa ở nhà Ba con còn kêu là Như Hưng nữa đó, đúng rồi ạ, dạ con hỏi chú ở đâu ạ? Ui trời Chú ạ… Má con và cả nhà đi kiếm tìm nhà Nội quá trời luôn từ hồi con còn nhỏ xíu tới giờ đó ạ. Dạ mời Chú xuống nhà con gặp Má con ạ, dạ Chú đi liền ạ. Cảm ơn Chú, Má con con đợi ở nhà ạ.
Ngồi trên xe đi từ Gia Nghĩa, Đắk Nông tới Thủ Dầu Một mà sao con đường cứ càng đi chú Tuất lại càng thấy dài thêm ra thế, và xe làm sao chạy chậm quá, chú Tuất đã kịp điện thoại báo tin cho anh Huân và các anh chị trong gia đình được biết. Xe tới địa chỉ 34/3 tổ 14, khu phố 5, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, trong căn nhà nhỏ cũng đã khá đông đủ mọi người, nhìn hai cháu gái có khuôn mặt và ánh mắt là khuôn mẫu của anh Hiệp ngày xưa, chú Tuất không cầm được nước mắt ôm lấy cháu ruột mình mà nghẹn ngào không thốt nên lời, nắm chặt đôi tay người chị dâu lần đầu tiên gặp mặt từ ngày Anh ra đi năm ấy, người phụ nữ thân yêu của anh Hiệp trải qua bao vất vả hy sinh nuôi hai cháu khôn lớn, giờ đã tóc bạc, da mồi gương mặt phúc hậu tràn đầy nước mắt vui sướng xúc động. Những bức ảnh hiếm hoi, những bút tích còn lại của anh Hiệp được chị dâu gìn giữ, chăm chút như máu thịt của mình từ trong căn cứ địa chiến tranh ác liệt ngày ấy tới giờ là minh chứng khẳng định người vợ và những đứa con thân yêu, những giọt máu của người anh liệt sỹ Vũ Quang Hiệp tức Vũ Như Hưng là đây, và ngày hôm nay đã tìm được cội nguồn, quê cha đất tổ. Buổi chiều cả gia đình đi thăm mộ Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp tại nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Bình Dương, mộ phần Liệt sỹ giờ đây đã được xây cất trang trọng trong nghĩa trang với rất nhiều đồng đội, sau làn khói hương bỗng như thấy hình ảnh anh Vũ Quang Hiệp thấp thoáng nở nụ cười mãn nguyện cho sự đoàn viên.
Ngày 22 tháng 5 năm 2012, cả gia đình đoàn tụ trên nhà chú Tuất tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, những giọt nước mắt vỡ oà trong sung sướng, những cái ôm thật chặt, những bàn tay ấm áp nắm chặt lấy nhau thắm đượm nghĩa tình, những những lời chúc mừng của bao bạn bè, đồng nghiệp. cũng chính ngày này cách đây bốn mươi năm người chiến sỹ, người đồng đội, người chồng thân yêu của chị Nguyễn Thị Kim Liên đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng miền Đông Nam bộ, để lại cho hôm nay trên mảnh đất quê hương thứ hai ấy hạt giống của sự yêu thương, ân tình từ miền quê Nam Định đã gieo mầm kết trái cho tuổi trẻ thế hệ tương lai với bầy con cháu đã trưởng thành. Để có cuộc trùng phùng đầy xúc động hôm nay, là niềm vui lớn của đại gia đình, ngoài nỗ lực, sự tìm kiếm không mệt mỏi của mỗi người trong gia đình từ hai miền đất nước, thì sự hỗ trợ thông tin của trang Web NHẮN TÌM ĐỒNG ĐỘI của những người đồng chí, người bạn, của tổ chức đồng hành xoa dịu nỗi đau chiến tranh là vô cùng to lớn. Xin gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người đã góp công làm nên cuộc trùng phùng xuyên thế kỷ tràn đầy niềm vui sau bốn mươi năm tìm kiếm, của gia đình Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp – Vũ Như Hưng.
Bút ký: Tiến Hoàng
Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác