03/12/2014 12:00
Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngày 3/12/2014 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định số 4824/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam. Với mục đích nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, qua đó góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển, tăng cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thực tế hiện nay, cơ cấu bệnh tật tại Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi, với đa gánh nặng. Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đã giảm, nhưng một số bệnh lây nhiễm đang có nguy cơ quay trở lại; tỷ lệ mắc các bệnh không lây ngày càng gia tăng; tai nạn, chấn thương, ngộ độc tăng nhanh; một số dịch bệnh mới, bệnh lạ xuất hiện và diễn biến khó lường.
Theo số liệu thống kê từ các bệnh viện trong hệ thống thông tin y tế, tỷ trọng nhập viện của nhóm các bệnh lây nhiễm chiếm khoảng 55,5% vào năm 1976 đã giảm xuống 25,2% vào năm 2008. Nhóm các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng qua các năm, từ 42,6% năm 1976 lên 63,1% năm 2008. Nhóm các bệnh do ngộ độc, chấn thương, tai nạn vẫn tiếp tục duy trì ở tỷ lệ trên 10%.
Sự gia tăng của những bệnh không lây nhiễm gây ra sự gia tăng nhanh chóng chi phí khám chữa bệnh. Chi phí điều trị cho bệnh không lây nhiễm trung bình cao gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ bị biến chứng. Một ca mổ tim có chi phí từ 100-150 triệu đồng; một đợt điều trị cao huyết áp hoặc một đợt điều trị bệnh tiểu đường cấp từ 20-30 triệu đồng... Đồng thời, các cơ sở y tế cũng phải tăng đầu tư các trang thiết bị y tế đắt tiền để phát hiện và điều trị các bệnh không lây nhiễm, tuyển chọn và đào tạo thêm các bác sĩ chuyên khoa, kéo theo tăng chi phí dịch vụ. Đây là thách thức lớn đối với hệ thống y tế Việt Nam trong thời gian tới, đòi hỏi phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm tăng cường nỗ lực phòng, chống các bệnh này và tổ chức cung ứng các dịch vụ y tế tương ứng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế là đẩy mạnh phát triển ngành dược, cung ứng thuốc điều trị để phục vụ kịp thời cho công tác khám chữa bệnh, tận dụng nguồn dược liệu có sẵn của nước ta để giảm gánh nặng chi phí nhập nguyên liệu và dược phẩm từ nước ngoài.
Hiện nay, cả nước có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc (trong đó có khoảng 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược, ngoài ra có trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược (bao gồm các tổ hợp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh cá thể tham gia sản xuất thuốc YHCT). Có 8 đơn vị tham gia sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế và đã sản xuất được cả 3 loại theo phân loại vắc xin của WHO; Các vắc xin sử dụng trong Chương trình TCMR cũng được sản xuất tại Việt Nam, bao gồm: vắc xin bạch hầu, ho gà , uốn ván, bại liệt uống, sởi, thương hàn, viêm gan B, lao, viêm não Nhật Bản, tả. Trong thời gian tới, Chương trình TCMRQG đang nghiên cứu sẽ đưa thêm một số vắc xin vào chương trình như: vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib), HPV (ung thư cổ tử cung).
Thuốc sản xuất tại Việt Nam đã đa dạng về chủng loại và số lượng; chẳng hạn như: các nhóm thuốc dung dịch tiêm truyền, thuốc tiêm, kháng sinh và các nhóm thuốc khác. Giá trị kinh phí thuốc sản xuất tại Việt Nam tăng mạnh qua các năm, đáp ứng đến 50% trị giá kinh phí thuốc sử dụng. Thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng đạt tiêu chuẩn của WHO về tương đương sinh học và hiệu quả điều trị tốt, nhiều nhóm thuốc và vắc xin của Việt Nam được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, ngành Dược đang có những bước tiến nhất định, đáp ứng phần lớn nhu cầu về thuốc điều trị cho người dân.
Tuy nhiên, người dân nói chung và không ít thầy thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn có quen dùng thuốc ngoại đắt tiền để chữa bệnh trong khi hiệu quả so với thuốc sản xuất tại Việt Nam là tương đương. Chính những thói quen này gây tốn kém, lãng phí kinh phí cho chữa bệnh rất lớn, vì thuốc nhập ngoại thường có giá thành đắt hơn nhiều trong khi đó thuốc sản xuất tại Việt Nam thì được sử dụng rất thấp. Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, từ đó góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng là việc làm hết sức cần thiết.
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn là cơ hội chấn chỉnh lại công tác cung ứng thuốc trong các bệnh viện, nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, y đức của đội ngũ thầy thuốc trong việc thực hiện tốt việc kê đơn thuốc an toàn, hợp lý, tránh lạm dụng thuốc, giảm giá thành điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại các cơ sở điều trị.
Thay đổi nhận thức, hành vi trong việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước chính là thực hiện tiết kiệm chi phí trong khám, chữa bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển công nghiệp Dược Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần xây dựng phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ta.
Minh Thu (nguồn BYT)
Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác