04/12/2014 12:00
Tuần trước, khi vào bệnh viện thăm người thân, tôi có trò chuyện với một bác gái đang ngồi chờ tới lượt khám bệnh. Trông bác khoảng 60 tuổi, tôi thật sự bất ngờ khi cậu con trai cho biết chưa một lần đưa mẹ đi khám sức khỏe định kỳ. Thật nghiêm trọng khi bác bị mắc cùng lúc nhiều loại bệnh của người già, nào là xương khớp, tiêu hóa, đặc biệt là tim mạch, nguy cơ đột quỵ rất cao. Giá như cậu con trai quan tâm tới mẹ mình nhiều hơn, biết cách "phòng hơn chữa" thì chắc tình trạng sức khỏe của bác sẽ không xấu như vậy.
Theo dõi tình hình sức khỏe hiện tại và sớm phát hiện bệnh
để có phương pháp điều trị kịp thời.
Nhìn sự mệt mỏi, già yếu hiện rõ trên gương mặt nhăn nheo và giọng nói thều thào tôi nghĩ tới hình ảnh của bác Mai – bác hàng xóm cạnh nhà. Hai hình ảnh hoàn toàn đối lập. Nụ cười bác rạng ngời, bước đi nhanh nhẹn tràn đầy sức sống, không hề thấy hình bóng tuổi già dù đã ở độ tuổi lục tuần. Trong quá trình trò chuyện, tôi được biết bí quyết giữ gìn sức khỏe của bác Mai là luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, ăn uống đúng cách, tập luyện thể dục đều đặn và khám sức khỏe định kỳ. Bác cũng vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện khi luôn được con cái quan tâm, chăm sóc.
Thế mới thấy, phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh. Điều này không chỉ giúp người cao tuổi kiểm soát tình trạng sức khỏe bản thân mà có còn có được sự dẻo dai của cơ thể, sự minh mẫn của trí tuệ để tận hưởng tuổi vàng trọn vẹn hơn.
Cách "phòng bệnh" cho người cao tuổi cũng không quá khó, chế độ dinh dưỡng cần đa dạng, cân đối, đủ năng lượng, giàu vi chất và các chất chống oxy hóa. Bữa ăn nên tăng cường các loại thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng có vai trò tích cực trong việc bảo vệ, làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào thần kinh, tim mạch. Mỗi ngày, người già nên uống khoảng một đến 2 ly sữa để giúp việc hấp thu dễ dàng hơn, bổ sung thêm cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng quan trọng.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi cũng nên chú trọng đến việc vận động sao cho hợp lý. Đối với người cao tuổi, tập luyện thể thao giúp tăng cường sức mạnh về tinh thần, tăng sự hứng thú trong cuộc sống, giảm các căng thẳng trong sinh hoạt hàng ngày; kéo dài tuổi thọ; tăng khả năng lao động, phục vụ bản thân và gia đình; phát triển các tố chất thể lực, duy trì dẻo dai và chống lại lão hóa của hệ vận động; giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, các bệnh tim mạch. Người cao tuổi cần chọn lựa cho mình bộ môn thể thao phù hợp với thể lực của mình như đi bộ, thể dục dưỡng sinh, yoga, bơi, đạp xe... Về đời sống tinh thần, cần khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các câu lạc bộ vui chơi giải trí ở địa phương để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần.
Theo dõi tình hình sức khỏe hiện tại và sớm phát hiện bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời vừa giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, vừa phòng chống bệnh tốt hơn.
Về phần thệ hệ trẻ, làm người con, cháu cần dành nhiều thời gian quan tâm tới ông bà, cha mẹ mình hơn. Sự thương yêu chăm sóc của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là về dinh dưỡng và tinh thần cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp người cao tuổi "phòng bệnh" để luôn khỏe mạnh và tận hưởng cuộc sống bên con cái một cách trọn vẹn.
Bài & Hình: Võ Quỳnh – Trần Lan
(Trung tâm TT- GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác