13/01/2015 12:00
Rối nhiễu tâm lý là một dạng chấn thương tinh thần nhẹ, nhưng có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của con người, đặc biệt là với trẻ em. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, khoảng 10 – 15% dân số có rối nhiễu tâm lý. Trong đó, tỷ lệ trẻ rối nhiễu ở các nước Đức, Đan Mạch... là từ 12% - 27%. Còn ở Mỹ, năm 1986 có 12% trẻ em và thanh niên bị rối nhiễu tâm lý và đến năm 1990 đã là 20%. Còn ở Việt Nam, theo nghiên cứu mới nhất thì có từ 14% đến 20% học sinh trong độ tuổi trung học cơ sở mắc rối nhiễu tâm lý. Như vậy, có thể thấy rối nhiễu tâm lý không phải là vấn đề riêng của một đất nước mà là vấn đề chung, mang tính toàn cầu.
Nhà trường cần phát huy các tổ chức Đoàn, Đội tạo ra những sân chơi sôi nổi,
bổ ích giúp học sinh gần gũi và đoàn kết .
Trong những năm gần đây, số lượng trẻ em được đưa đến khám và điều trị tại các trung tâm tham vấn-tư vấn tâm lý, phòng khám các khoa tâm lý lâm sàng, các cơ sở tham vấn ở các bệnh viện... ngày càng nhiều. Trong số đó, rất ít trẻ được đưa đến khi bắt đầu có dấu hiệu rối nhiễu hoặc có biểu hiện rối nhiễu nhẹ để được can thiệp sớm mà đa phần trẻ được đưa đến khám và điều trị khi sự rối nhiễu tâm lý đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và khả năng giải quyết của gia đình. Ngoài ra, nhiều trẻ hoàn toàn không được tư vấn và điều trị, dẫn đến tình trạng rối nhiễu kéo dài, trầm trọng và ảnh hưởng đến hoạt động học tập cũng như cuộc sống của các em. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức và hiểu biết của xã hội, đặc biệt là của các bậc cha mẹ về vấn đề rối nhiễu tâm lý còn hạn chế. Ở học sinh trung học cơ sở chính là lứa tuổi dễ bị rối nhiễu tâm lý nhất và cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu bị rối nhiễu tâm lí.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối nhiễu ở học sinh THCS hiện nay. Trong đó, nguyên nhân từ gia đình và áp lực từ trường học giữ một vị trí đáng kể. Những áp lực từ trường học, học thêm học hè, học nâng cao… mà ít có thời gian vui chơi giải trí, sự kỳ vọng quá lớn từ bố mẹ, các tác nhân ngoài xã hội… làm cho các em bị cuốn vào một vòng xoáy mà không tự tìm được lối ra. Các trường hiện nay không có các trung tâm/phòng tâm lý học đường, trong khi phòng y tế học đường chưa đảm nhận được các chức năng thay thế. Khi gặp khó khăn về tâm lý, học sinh thường không biết tìm đến đâu để được các nhà chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ.
Cô Lê Thị Diệu Thúy giáo viên trường THCS Đoàn Thị Điểm, tp Buôn Ma Thuột cho biết: “học sinh ở lứa tuổi THCS thường có những biểu hiện tâm lí phức tạp, hoặc dễ kích động, hoặc lầm lì, khó bảo, một số em có thái độ chống đối. Cái tuổi ương dỡ này những học sinh cá biệt nếu phụ huynh và nhà trường không sát sao gần gũi các em thì rất dễ dẫn đến những hành vi sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến bản thân các em và tập thể…”
Lứa tuổi học sinh trung học cơ sở là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi nhi đồng sang lứa tuổi thanh niên. Đây là giai đoạn có các biến đổi về mặt cơ thể hết sức quan trọng, đặc trưng với dấu hiệu dậy thì ở cả nam và nữ, các em rất dễ gặp phải những khó khăn về mặt tâm lí, dễ bị những tác động dẫn đến rối nhiễu tâm lí.
Để giảm thiểu và phòng ngừa các rối nhiễu tâm lý cần phải có các biện pháp tác động tích cực. Sự hợp tác của gia đình, nhà trường và xã hội là một sự tất yếu. Phát huy tốt các mối quan hệ trên sẽ tạo nên mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh một cách khoa học và hiệu quả:
Cần có sự theo dõi và can thiệp kịp thời các trường hợp bạo lực gia đình, đặc biệt là với trẻ em. Phối hợp với các tổ chức, các trung tâm phòng chống bệnh xã hội, các cơ sở chuyên khoa, bệnh viện tâm thần để tổ chức khám và sàng lọc các đối tượng có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung và trẻ em có rối nhiễu tâm lý nói riêng để có các biện pháp can thiệp kịp thời. Phối hợp tích cực với gia đình và nhà trường trong việc quản lý và giáo dục học sinh tại địa phương…
Nhà trường cần có sự phối hợp thường xuyên với gia đình và cộng đồng nơi học sinh đang sinh sống để kiểm soát và phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ để có chiến lược can thiệp hợp lý. Cần tổ chức sàng lọc để kiểm tra sức khỏe tâm thần ở học sinh một cách khoa học. Tổ chức chương trình dạy học phù hợp nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh, tạo cho các em tâm lý thoãi mái khi đến trường.
Phát huy tính tích cực của các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường nhằm tạo ra những sân chơi sôi nổi, bổ ích giúp học sinh gần gũi và đoàn kết với nhau hơn, đồng thời tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần hình thành thế giới quan lành mạnh. Đẩy mạnh tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe tâm thần, phối hợp các cơ sở chuyên khoa tâm thần để tổ chức các lớp học nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Đối với học sinh, sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ vô cùng cần thiết. Vì thế phải thường xuyên quan tâm chia sẽ với con để giúp con vượt qua khó khăn. Điều trước hết cha mẹ cần quan tâm đến con đó chính là quan tâm đến sức khỏe của con. Một đứa trẻ mệt mỏi sẽ nhanh chóng mất hứng thú học tập. Cha mẹ cần thường xuyên quan sát để đưa ra những biện pháp hữu hiệu giúp con hóa giải mệt mỏi. Luôn lắng nghe, nói chuyện và trấn an con khi con gặp khó khăn, lo lắng. Vì khó khăn, lo lắng cũng có thể hủy hoại động cơ học tập của trẻ. Khi con gặp khó khăn, xung đột ở trường học như trục trặc trong quan hệ với bạn, bị bạn bè chế giễu, trêu chọc, xa lánh… cha mẹ cần hỏi han con tỷ mỷ để giúp con giải quyết và đương đầu với các tình huống đó.
Bên cạnh đó việc sắp xếp cuộc sống gia đình một cách khoa học và giữ gìn văn hóa gia đình cũng vô cùng quan trọng trong phòng ngừa rối nhiễu tâm lí cho trẻ. Sự nề nếp, sống có trước có sau, giữ gìn tôn tri trật tự, có trên có dưới, kỹ luật tốt, mọi người luôn quan tâm, chia sẽ với nhau nhằm tạo cho học sinh một môi trường sống lành mạnh, không khí gia đình ấm áp. Xây dựng bầu không khí gia đình lành mạnh, tránh xung đột, bạo lực nhằm tránh cho con các sang chấn tâm lý có thể gây nguy hại đến sức khỏe và khả năng học tập. Giúp con em sắp xếp thời gian biểu một cách hợp lý, có sự hòa hợp giữa chơi và học. Lựa chọn việc học thêm một cách phù hợp, không chạy theo phong trào để tránh tình trạng dồn mình vào sự quá tải. khuyến khích các em tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn, Đội và nhà trường tổ chức nhằm hoàn thiện bản thân và giảm tải các áp lực trong học tập cũng như trong cuộc sống là những biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe tâm thần cho trẻ em.
Bài: Trần Lan
Ảnh: Bảo Châu
Trung tâm TTGDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác